Gaming và eSports đang được xem là những ngành “hot” thu hút đông đảo người quan tâm và có cơ hội việc làm mở rộng. Nhân sự ngành này không chỉ kiếm được thu nhập ổn định mà còn có thể mang lại vinh quang cho đất nước thông qua những giải đấu quốc tế, theo các chuyên gia trong buổi thảo luận “Cơ hội việc làm ngành eSports & gaming” do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức chiều 4.1.
Không cần chơi game giỏi
Ông Dương Vi Khoa, Phó chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, nhận định ngành eSports gồm 2 yếu tố là thi đấu và giải trí. Số lượng người xem eSports tương đương các môn thể thao hấp dẫn trên thế giới như bóng đá, bóng rổ và thậm chí có lúc cao hơn. Tại Việt Nam, giải đấu của các game như League of Legends, PUBG, Liên Quân Mobile có thể lên đến triệu người xem livestream cùng lúc, ông Khoa khẳng định.
Các chuyên gia chia sẻ về kỹ năng yêu cầu cùng cơ hội nghề nghiệp trong ngành gaming và eSports
chụp màn hình
Do đó, ông Khoa cho biết dù trên sân khấu chỉ có khoảng 10 tuyển thủ nhưng xung quanh họ là hàng trăm nhân sự hoạt động liên tục để phục vụ công tác thi đấu và sản xuất chương trình. “Mỗi giải đấu đều cần rất nhiều người cho những công việc khác nhau. Không nhất thiết phải chơi game giỏi, chỉ cần bạn có đam mê và kỹ năng sẵn có là sẽ tìm được một vị trí thích hợp trong ngành eSports”, ông Khoa thông tin.
Đứng ở khía cạnh sản xuất game, thạc sĩ Bùi Thành Trung, Quản lý kỹ thuật của công ty Amanotes, nhận định không có công thức để làm nên một game thành công nhưng sẽ có quy trình chung. Chẳng hạn, với game âm nhạc, đội ngũ sản xuất đầu tiên sẽ nghiên cứu thị trường, tuyển chọn cách chơi, sau đó áp dụng âm nhạc, rồi làm bản thử nghiệm để đánh giá, cuối cùng thêm hiệu ứng, nội dung trước khi phát hành chính thức. Mỗi khâu sẽ yêu cầu những kỹ năng khác nhau từ lập trình, thiết kế đến cả xử lý âm thanh.
Thạc sĩ Trung cũng khẳng định Việt Nam là một thị trường khá dễ tính khi chơi đủ mọi thể loại game khác nhau. Vì thế, đây là “mảnh đất” tiềm năng không chỉ thu hút các nhà làm game thế giới mà còn tạo điều kiện phát triển cho những nhân sự Việt Nam, đặc biệt ở kỹ năng lập trình. “Làm việc ở ngành game cũng có thể áp dụng ngay những công nghệ mới nhất”, ông Trung nói.
Quy trình sản xuất game là sự phối hợp của nhiều công việc đặc thù khác nhau
chụp màn hình
Về mặt tuyển dụng nhân sự làm việc trong ngành gaming và eSports, bà Uông Thu Hà, phụ trách mảng xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của công ty sản xuất game nổi tiếng từ Hàn Quốc NCSOFT, cho hay ứng viên không nên lo lắng về định kiến hay khó khăn, mà cần phải hiểu mình, hiểu nghề và hiểu ngành thông qua nhiều phương pháp khác nhau như tự đánh giá mình, tìm kiếm các bản mô tả công việc và đọc thêm về thị trường.
Bà Hà chia sẻ: “Hiện nay ngành game rất phát triển và được xem là bộ môn nghệ thuật thứ 8. Để dấn thân vào lĩnh vực này, người học phải vận dụng rất nhiều kỹ năng khác nhau. Tôi từng tiếp xúc khoảng 500 nhân sự trong ngành và thấy rất nhiều tấm gương sáng có thể cân bằng cuộc sống và tài chính, phá vỡ hình ảnh định kiến là nghiện game, không kiếm ra tiền... như suy nghĩ của nhiều người”.
Đa dạng cơ hội nghề nghiệp
Ở ngành eSports, ông Vi Khoa nhận định cơ hội nghề nghiệp đa dạng, cũng thường chia theo 2 hướng chính là giải trí và thi đấu. Để làm việc trong mảng giải trí, người học chỉ cần đáp ứng được kỹ năng cần thiết để tham gia vào các khâu sản xuất như tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện, dẫn chương trình thậm chí là cả phiên dịch viên để hỗ trợ đội tuyển eSports thi đấu quốc tế.
Nhiều tuyển thủ eSports trẻ tuổi đã chứng minh có thể ổn định tài chính và nổi tiếng nhờ chơi game chuyên nghiệp
ngọc long
Còn ở góc độ thi đấu, người trẻ có thể trở thành tuyển thủ, huấn luyện viên, chuyên viên phân tích hoặc quản lý. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có nơi đào tạo chuyên môn những vị trí này nên chủ yếu người học tự tìm tòi và đúc kết kinh nghiệm. “Thế giới hầu như cũng chưa có cơ sở đào tạo chính quy, đa số là các đội tuyển eSports tự tìm kiếm cá nhân có năng khiếu để bồi dưỡng”, ông Khoa chia sẻ.
Bà Thu Hà cho biết thêm eSports là một phần của hệ sinh thái ngành game nói chung, cụ thể là ở phía nhà phát hành game. Chia sẻ về hệ sinh thái này, bà Hà thông tin có 3 bên phổ biến nhất mà người học muốn gia nhập lĩnh vực này cần nhớ là đơn vị gia công, nhà phát triển game và nhà phát hành game.
Cũng theo bà Hà, các vị trí thường thấy trong ngành game là nhân sự, hỗ trợ, kế toán, tiếp thị, phát triển doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng, thiết kế trò chơi, quản lý sản phẩm, mỹ thuật, kỹ thuật... Từ những vị trí đó, bà Hà gợi ý người học có thể đăng ký vào các ngành như thiết kế game, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, quản trị kinh doanh, marketing, truyền thông... sao cho phù hợp với khả năng và đam mê của bản thân.