Anh trai nhanh trí cứu em gái một mạng
Tối 21/12, vợ chồng chị Trương Thị Vân (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ra ngoài mua thuốc, dặn con trai cả Đỗ Tuấn Tú (12 tuổi) trông 4 em.
Về nhà, chị Vân hốt hoảng khi nghe Tú kể em gái Đỗ Cẩm Tú (3 tuổi rưỡi) bị hóc đồ chơi dù bé gái không có biểu hiện bất thường. Xem lại camera trong phòng các con, người mẹ chứng kiến con gái có dấu hiệu hóc dị vật, khóc lớn và vỗ lưng ra hiệu cho anh trai.
Đang bế em trai út khoảng một tuổi, Tuấn Tú quay lại dùng tay vỗ mạnh vào lưng em gái. Đứa trẻ vẫn không ngừng khóc, hét to. Cậu vội thả em trai xuống thảm rồi nhấc em gái lên, từ đằng sau đè ép mạnh vào bụng cô bé để dị vật bay ra ngoài.
Khi Cẩm Tú nôn ra được món đồ chơi mắc ở cổ họng, người anh liên tục hỏi: "Hết đau chưa?", rồi đưa nước cho em gái uống.
"Bố mẹ đi vắng, anh cả ở nhà trông 4 em, có tí kiến thức cứu em gái một mạng", chị Trương Thị Vân nói.
Phương pháp vỗ lưng để khai thông đường thở được gọi là động tác Heimlich, phát minh bởi bác sĩ người Mỹ Henry Judah Heimlich. Đây là động tác được sử dụng để sơ cứu người bị nghẹn thức ăn hoặc các dị vật khác gây tắc nghẽn đường thở.
Chị Vân hỏi con trai sao biết cách vỗ lưng để cứu em, Tuấn Tú trả lời nhờ học trên mạng. Người mẹ thừa nhận nếu rơi vào trường hợp này, có lẽ chị cũng không thể bình tĩnh xử lý như con trai. Dù tinh thần còn hoảng loạn, sức khỏe bé gái Cẩm Tú ổn định, không bị ảnh hưởng, thương tích từ việc nuốt nhầm đồ chơi.
Vợ chồng chị Vân vốn hạn chế các con tiếp xúc với mạng xã hội. Thông qua sự việc này, chị nhận thấy đôi khi những nền tảng này cũng có mặt tích cực, miễn là bố mẹ biết cách kiểm soát các con sử dụng đúng và chừng mực.
Sau sự việc, vợ chồng chị Vân rút kinh nghiệm, không để các con ở nhà không có người lớn trông coi. Anh chị dặn con không mang đồ chơi từ ngoài về, tăng cường quan tâm, sát sao các con hơn.
Sau vụ tai nạn thót tim với con gái, chị Vân đã đăng tải đoạn video lên mạng xã hội để cảnh báo các phụ huynh. Dưới phần bình luận, nhiều người dành lời khen ngợi cho phản ứng nhanh trí và quyết đoán của bé trai 12 tuổi.
"May là con xử lý kịp thời, nếu không thì không biết chuyện gì xảy đến với gia đình tôi nữa", chị Vân thở phào.
Cuộc sống của bà mẹ 5 con
Vợ chồng chị Vân kết hôn năm 2011, một năm sau sinh con trai Đỗ Tuấn Tú. Do bận công việc và mắc bệnh, mãi 7 năm sau, chị mới sinh con trai thứ 2. Các bé tiếp theo lần lượt sinh vào các năm 2021 (bé gái bị hóc dị vật), 2022 và 2023 (đều là con trai).
"Vợ chồng tôi thích đông con, cũng chịu khó, chuẩn bị vững vàng kinh tế để lo cho các con. Sau khi sinh cậu út, tôi quyết định dừng lại, không sinh thêm nữa", chị nói.
Ngày trước, chị Vân thuê giúp việc phụ giúp trông các con. Nhưng từ ngày chuyển sang làm công việc tự do, hai vợ chồng chủ động thời gian, sắp xếp công việc để tự tay chăm sóc 5 nhóc tì.
Ban ngày, 4 anh chị lớn đi học, chiều mới về, chỉ có bé út ở nhà nên chị Vân cũng không khó việc chăm sóc.
Chị Vân tự hào khi con trai đầu Tuấn Tú hiểu chuyện, tiếp thu nhanh. Bé thường quan sát cách bố mẹ chăm sóc các em như pha sữa, tắm giặt, ru ngủ. Từ đó, những lúc vắng bố mẹ, Tú đều có thể làm thay, thuần thục việc trông nom các em.
"Con trai chăm 4 em đôi khi còn khéo hơn cả tôi", chị Vân cười vui vẻ.
Dù nhiều người than chăm một đứa trẻ đã mệt mỏi và khó khăn nói gì đến 5 nhóc, chị Vân giải thích đơn giản, "chăm con nhiều tự nhiên cảm thấy quen".
Chị không cảm thấy mệt mỏi nhờ biết cách sắp xếp, lên kế hoạch và được chồng cùng con trai lớn hỗ trợ. Chỉ là đôi khi chị cảm thấy stress (áp lực) khi các con đến tuổi tranh giành đồ chơi, thức ăn.