Cùng Phượt - Là một trong ba khu vườn quốc gia nổi tiếng cả nước, Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn và ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn, trên vùng tam giác giữa ranh giới của ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La. Khi tới Xuân Sơn du khách vẫn cảm nhận được nét đẹp hoang sơ vốn có, chưa bị can thiệp nhiều bởi hoạt động khai thác du lịch. Thấp thoáng những mái nhà sàn và mùi hương lúa nếp nương cùng tiếng suối nước chảy róc rách… Đến với du lịch Xuân Sơn, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian trong lành, mát rượi. Buổi sáng là tiết trời của mùa xuân, buổi trưa là sự ấm áp của mùa hè, buổi chiều khiến lòng người lắng lại với những cơn gió hiu hiu của mùa thu và buổi tối là cái se lạnh ngọt ngào của mùa đông. Đây được coi là lợi thế của Xuân Sơn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Giới thiệu về Vườn Quốc Gia Xuân Sơn
Cổng vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Ảnh - cungphuot.info)Cách Hà Nội khoảng 120km, Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích là 33.687ha, trong đó vùng lõi của vườn là 15.048ha và vùng đệm là 18.639ha, đứng thứ 12 trong số 15 Vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Được ví là lá phổi xanh và là điểm du lịch hấp dẫn của Phú Thọ. Với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23ºC.
Theo thống kê vườn Quốc gia Xuân Sơn có 1217 loại thực vật, trong đó có 665 loài cây thuốc, 300 loài cây rừng có thể làm rau ăn, có các loại thực vật bậc cao như: Re, dẻ, sồi, vá, táu muối, chò chỉ, dổi, kim dao. Rừng chò chỉ Xuân Sơn được đánh giá là giàu và đẹp nhất miền Bắc, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi có đường kính tới 2m và cao 30m. Vườn Quốc gia có 365 loài động vật trong đó có 46 loài ghi trong danh sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ thế giới, có loài cá cóc bụng đỏ là loài động vật quí hiếm.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn có hệ thống đa dạng sinh học được bảo tồn. Có 3 đỉnh nuí cao trên 1000m đó là các đỉnh: Núi Ve, núi Ten và núi Cẩn. Hệ thống hang động đá vôi rất phong phú và đa dạng có nhiều màng đá, nhũ đá, cột đá đẹp. Đã phát hiện khoảng 30 hang động có các kích thước lớn nhỏ khác nhau: Hang Lun, hang Lạng, hang Na, hang Dơi, hang Sơn Dương, hang Thổ Công, hang Thiên Nga, hang Chồn Trắng, hang Trăng Tròn… Hang Lạng là hang lớn nhất và dài nhất ăn sâu vào núi Ten, vòm hang có chỗ cao tới 20m và rộng 20m.
Buổi sáng trong vườn quốc gia Xuân Sơn (Ảnh - cungphuot.info)Hệ thống thác nước trong vườn Quốc gia được tạo bởi các con suối đổ từ trên núi xuống rất đẹp đó là: Thác Xoan, thác Kẹm, thác 99 tầng, thác Tô Anh, thác Tô Em, Thác nước mọc.Trong vườn Quốc gia còn có các dân tộc: Mường, Dao cư trú tại các bản: Lạng, Dù, Lấp, Thang, Xoan, Ong, Dâm… Đặc biệt ở đây còn giữ được phong tục tập quán truyền thống với các lễ hôi dân gian, các điệu nhảy múa ca hát rất độc đáo.
Du lịch Xuân Sơn vào thời gian nào?
- Nếu thích tham gia các lễ hội của người dân ở Xuân Sơn, các bạn có thể đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn vào đầu năm, thời điểm mùa xuân. Ngày 7/1 (âm lịch) hàng năm có lễ hội xuống đồng của người Mường ở Tân Sơn. Đặc sắc nhất của lễ hội là nghi thức rước vía lúa có từ ngàn đời nay để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an, mạnh khỏe.
- Thời điểm mùa hè, không khí ở Xuân Sơn vô cùng mát mẻ, xua tan đi sự oi bức vốn thường thấy của miền Bắc vào thời gian này. Đến Xuân Sơn thời điểm này để nghỉ ngơi, thư giãn và cả hòa mình vào những làn nước mát lạnh của những con suối. Thời điểm mùa hè các bạn nhỏ được nghỉ, cũng là một cơ hội để bố mẹ có thể đưa các bạn đến Xuân Sơn khám phá thiên nhiên.
- Nếu bạn đến vườn quốc gia Xuân Sơn vào tháng 11 và tháng 12 hoa trạng nguyên nở rộ ở khắp các bản làng khiến nơi đây rực đỏ một góc trời.
Hướng dẫn đi tới Xuân Sơn
Phương tiện cá nhân
Từ Hà Nội để lên tới Xuân Sơn khoảng 130km, các bạn có thể lựa chọn các cung đường như sau để tới được Xuân Sơn
- Từ Big C Thăng Long đi theo đại lộ Thăng Long đi thẳng đến đường DT87a (Gần VQG Ba Vì) rẽ tay trái rồi chạy thẳng qua cầu Đồng Quang, rẽ phải sang đường 317 rồi tiếp tục chạy thẳng ra đường DT316 (đoạn này đi qua khu suối khoáng Thanh Thủy), hết đường này thì rẽ trái chạy về bến xe Thanh Sơn.
- Từ Hà Nội, Xuất phát từ đại học Quốc gia Hà Nội quý khách đi thẳng theo đường 32 qua cầu Trung Hà rồi rẽ trái đi men theo đường đê, sẽ có biển chỉ dẫn đi Thanh Sơn.
Từ ngã 4 Thanh Sơn các bạn rẽ phải theo đường QL32 (có biển chỉ đi Xuân Sơn khoảng 40km) và cứ đi thẳng cho đến khi nhìn thấy biển rẽ trái đi Xuân Sơn. Cứ men theo đường này và đi theo hệ thống biển chỉ dẫn sẽ vào tới Xuân Sơn. Đường này gần hơn, còn nếu không các bạn cứ tiếp tục đi về hướng Thu Cúc cũng sẽ có 1 đường khác để tới Xuân Sơn.
Phương tiện công cộng
Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm ở Tân Sơn, trên trục quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Yên Bái. Các tuyến xe từ Hà Nội đi Tân Sơn có nhưng không nhiều, ngoài các tuyến xe này các bạn có thể lựa chọn các xe khách Hà Nội - Lai Châu để lên tới trung tâm Tân Sơn (xã Tân Phú) rồi từ đây đi xe ôm vào trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Xe khách đi Xuân Sơn
Một số tuyến xe khách chạy thẳng tới Xuân Sơn, nếu sử dụng phương tiện công cộng thì khi di chuyển ở Xuân Sơn các bạn bắt buộc phải thuê xe của người dân địa phương hoặc chủ homestay để di chuyển qua lại giữa các địa điểm.
SƠN VI
- Lịch trình: Hà Nội - Vườn Quốc gia Xuân Sơn
- Giờ xuất bến: Hà Nội 8h30 - Xuân Sơn 13h00
- Địa chỉ: Đang cập nhật
- Điện thoại: 0944 680 666
DUY THUẬN
- Lịch trình: Hà Nội - Vườn Quốc gia Xuân Sơn
- Giờ xuất bến: Hà Nội 14h00 - Xuân Sơn 8h00
- Địa chỉ: Đang cập nhật
- Điện thoại: 0976299355
HẢI QUÂN
- Lịch trình: Hà Nội - Vườn Quốc gia Xuân Sơn
- Giờ xuất bến: Hà Nội 13h00 - Xuân Sơn 6h30
- Địa chỉ: Đang cập nhật
- Điện thoại: 0989 049 633
TIẾN LINH
- Lịch trình: Hà Nội - Vườn Quốc gia Xuân Sơn
- Giờ xuất bến: Hà Nội 11h45 - Xuân Sơn 5h30
- Địa chỉ: Đang cập nhật
- Điện thoại: 0978 164 585
HOÀNG MY
- Lịch trình: Hà Nội - Vườn Quốc gia Xuân Sơn
- Giờ xuất bến: Hà Nội 16h30 - Xuân Sơn 11h00
- Địa chỉ: Đang cập nhật
- Điện thoại: 0989 622 141
Lưu trú ở Xuân Sơn
Xuân Sơn hiện chỉ có du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nên các bạn chỉ ó thể lựa chọn hình thức lưu trú homestay. Những loại hình lưu trú khác như khách sạn, nhà nghỉ thì chỉ có ngoài trung tâm huyện và trên đường vào Xuân Sơn.
Homestay ở Xuân Sơn
Các homestay ở Phú Thọ hiện nay chủ yếu tập trung và được phát triển ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến với vùng đất này các bạn sẽ được khám phá những giá vị văn hóa độc đáo của đồng bào người Dao và Mường đang sinh sống tại các bản Dù, Lấp, Lạng và Cỏi. Những điệu múa, lời ca, phong tục tập quán, các nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc vẫn được lưu giữ một cách nguyên vẹn.
Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Xuân Sơn (Cập nhật 5/2024)
Đến Vườn Quốc Gia Xuân Sơn chơi gì?
Bảo tàng Thiên nhiên Xuân Sơn
Nằm trong khuôn viên văn phòng Vườn quốc gia Xuân Sơn, bảo tàng thiên nhiên là nơi lưu giữ và trưng bày những mẫu tiêu bản động thực vật Vườn quốc gia Xuân Sơn, ngoài ra còn có mô hình mô phỏng các hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc Dao và Mường thông qua trưng bày các công cụ sản xuất, mẫu nhà Sàn của người Mường và nhà Trệt của người Dao. Bảo tàng còn là nơi giáo dục môi trường cho các em học sinh và các bạn. Các bạn có thể dễ dàng đặt lịch tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn để nghe cán bộ trung tâm giới thiệu, tìm hiểu về lịch sử hình thành Vườn quốc gia.
Các bản du lịch cộng đồng
Sức lôi cuốn của Vườn quốc gia Xuân Sơn ngoài cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng phong phú… còn là những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao và Mường đang sống tại các bản ngay trong vườn.
Bản Dù
Trên đường vào Xuân Sơn, chỉ cần qua dốc Cổng Trời là tới bản Dù, bản trung tâm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn và xã Xuân Sơn. Bản Dù cũng là nơi có loài chuối cô đơn (hay còn gọi là chuối Bạc Hà) một loại đặc sản rất đặc biệt.
Bản Lạng
Qua khỏi cổng vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến phía chân dốc Cổng Trời sẽ có 1 con đường nhỏ bên tay trái để vào bản Lạng. Quãng đường khoảng 3km, nhưng đường khá nhỏ. Nếu có 2 ô tô đi ngược chiều sẽ rất khó khăn để tránh.
Bản Lấp
Từ bản Dù đi vào khoảng hơn chục km nữa sẽ đến bản Lấp, bản khá nhỏ với vẻn vẹn chỉ khoảng gần 30 nóc nhà. Người dân bản Lấp chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng bằng các nghề kiếm củi hay đánh bắt nhỏ từ suối.
Bản Cỏi
Đây là ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền, với khoảng hơn 100 nóc nhà đơn sơ được che chắn, bao bọc bởi núi cao và rừng già, ngay trong vùng lõi và là nơi xa nhất của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Hệ thống hang động
Hang Thổ Thần
Thuộc địa phận bản Lấp, Hang Thổ Thần là một trong số những hang động lớn và dài nhất ở Xuân Sơn. Hang Thổ Thần ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Trong hang có những nhũ đá khá mềm và xốp như đất. Có lẽ vì vậy mà từ xưa người dân gọi bằng cái tên “hang Đất”.
Hang Thổ Thần vẫn còn là một ẩn số lớn bởi người Dao, người Mường bản địa cũng chưa khám phá hết chiều dài và các ngóc nghách trong hang. Từ chân núi đi lên khoảng 300 bậc đá là đến cửa hang. Khi bước vào trong, du khách sẽ rất bất ngờ trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và đầy bí ẩn của các hình thù do nhũ đá tạo thành. Tùy vào sức tưởng tượng của mỗi người mà gắn cho các hình khối đó những câu chuyện cổ tích riêng, hư hư, thực thực… Càng đi vào sâu, lòng hang càng hẹp, có nhiều đoạn phải leo lên những vách đá vôi cao hàng mét thì du khách mới có thể tiếp tục hành trình khám phá.
Hang Na
Hang Na cũng nằm ở bản Lấp, trên đường đi thác nước Lưng Trời. Xuyên qua những thảm thực vật phong phú và ẩm ướt, những con suối róc rách giữa rừng, trèo lên khoảng hơn 100 bậc đá thì tới cửa hang nằm lơ lửng trên vách núi. Lách qua một khe cửa hẹp bước vào trong, lòng hang tối như mực, ánh sáng tự nhiên duy nhất lọt vào là từ cửa hang.
Bước vào trong, du khách sẽ thấy rất thú vị khi chiêm ngưỡng các viên đá, to có, nhỏ có trông giống hệt như những quả na. Các khối đá na cứ nằm rải rác trong lòng hang không biết tự bao giờ, thi thoảng lại được bọn trẻ con quanh bản đưa về nhà làm đồ chơi…
Có lẽ bởi vì thế mà hang có tên là hang Na. Đặc biệt ở đây, quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên một mô hình “ruộng bậc thang” thu nhỏ trong lòng núi mà có lẽ chỉ hang Na mới có. Đây là một nét độc đáo rất riêng của hang mà du khách chỉ có thể thấy hết vẻ đẹp của nó khi tận mắt chiêm ngưỡng và cảm nhận.
Hang Lạng
Hang Lạng cao trung bình tới 10m, có nơi cao tới 20-30m, rộng trung bình khoảng 10 - 15m, hang này còn có suối chảy qua với chiều dài trên 7.000m. Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng. Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.
Động Tiên
Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
Cây Di Sản
Quần thể 20 cây nghiến cổ thụ thuộc Vườn quốc gia Xuân Sơn được công nhận là cây di sản, đây là loài thực vật đặc trưng của Vườn quốc gia Xuân Sơn và là một trong 46 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách của Việt Nam, đại diện cho hệ thực vật của hệ sinh thái núi đá vôi, được phân bố ở độ cao từ 500 đến 700 m so với mực nước biển, Quần thể cây di sản có đường kính gốc bình quân là 1,8 m, trong đó cây lớn nhất có đường kính gốc 2,7 m ,chu vi thân:09 m. Qua nhận định ban đầu về tuổi thọ của cây nghiến cổ thụ ước khoảng trên 1.000 năm tuổi và đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hệ thống suối và thác nước
Cùng với hệ thống các đỉnh núi cao, hang động, Xuân Sơn còn có hệ thống sông suối như suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50m như hòa quyện cùng với màu xanh của núi rừng khiến cho phong cảnh Xuân Sơn các thêm thơ mộng.
Suối Tiên
Một dòng suối mát lạnh, xanh biếc được bắt nguồn từ hang Động Tiên. Nhìn những bức ảnh được chụp tại đây, trông đẹp chả kém gì Suối Nước Moọc ở Quảng Bình đâu các bạn ạ.
Thác Lưng Trời
Thác nằm sâu trong rừng, từ Hang Thổ Thần cần vượt qua quãng đường khoảng 2km với nhiều đoạn khá hiểm trở, mặt đường trơn và các bậc thang uốn lượn theo các trườn núi sâu thẳm.
Các đỉnh núi ở Xuân Sơn
Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn
Ăn gì khi du lịch Xuân Sơn
Cơm lam người Mường
Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.
Tiếp theo là đến việc chọn gạo, đồng bào chọn loại nếp nương thơm, dẻo của vùng cao. Gạo trước khi được đem đi “lam” sẽ được ngâm khoảng 2- 3 tiếng, sau đó vo sạch, rắc ít muối và trộn đều rồi đổ vào ống nứa đã có sẵn nước. Khi gạo đổ vào, không nén chặt mà để cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ vừa khít miệng ống. Nếu thấy ống nứa có ít nước, có thể thêm nước xăm xắp mặt gạo. Nước này người Mường thường lấy nước trên những khe đồi, khe suối nhằm tạo nên vị ngọt mát. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối. Đốt lửa dựng các ống quanh bếp, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng một giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Nước cạn, đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm và có mùi thơm bốc lên là cơm đã chín. Lấy dao róc bỏ phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu.
Gà chín cựa
Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, nhưng giống gà này vẫn được người Dao Tiền tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng và phát triển, chúng được sùng kính gọi là “Gà Chúa”. Những chú gà nhiều cựa ở đây sống trong môi trường tự nhiên, đôi khi kết bạn gà rừng, có lẽ vì thế mà thịt gà nhiều cựa rất ngon và rắn chắc. Món gà đặc sản này khi người dân thiết đãi khách gà thường mang hấp lá chanh hoặc ướp mật ong rừng và một số loại lá cây gia vị tẩm ướp rồi nướng trong bếp than đỏ, khi thưởng thức mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Vịt lam Xuân Sơn
Món ăn đặc biệt này cũng giống như lam cơm, lam cá, là cách bà con người Mường nấu các món ăn trong những ống tre để trên than, lửa. Nó có vị ngon đặc trưng bởi sự hòa lẫn các loại gia vị Tây Bắc trong ống tre, và quan trọng là không bị bay mất mùi thơm, vị ngon của món ăn. Món vịt nhồi lam ở đây hơn thế, không chỉ thơm ngon mà lại thanh thanh, thơm ngậy nhưng không ngán và không hôi mùi vịt. Nếu đã ghé Xuân Sơn nhất định phải thưởng thức món ăn này nhé.
Cá suối
Cá sống ở suối được người dân địa phương bắt về. Cá nhỏ, thường được nướng hoặc rán giòn ăn kèm cơm.
Rau dớn
Rau dớn là một món quà của núi rừng, thuộc họ quyết, có hình dáng giống cây dương xỉ nhưng thân to, tán rộng hơn, xanh mỡ màng. Đối với đồng bào dân tộc Mường và Dao sống trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đây là một món ăn quen thuộc có trong mâm cơm thường nhật. Ngoài ra, họ còn sử dụng loại rau này như một vị thuốc dân giã chữa các bệnh thông thường như cảm, ho, viêm họng…
Măng chua nấu thịt gà
Văn hóa ẩm thực của người Mường hình thành từ những món đơn giản dân dã, in đậm hương vị núi rừng, sông suối như thịt, cá, măng, rau rừng… Trong số đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới gà nấu măng chua. Trong tiết trời lạnh của mùa đông rất thích hợp để thưởng thức món măng chua nấu gà với mùi vị chua dịu nhẹ và thịt gà mềm mượt. Món măng chua nấu gà từ lâu đã nổi tiếng. Với đồng bào Mường để thưởng thức món măng chua nấu thịt gà ngon thì không thể thiếu các loại rau ăn kèm như lá đu đủ, cải nương … ăn kèm thịt gà với các loại rau này sẽ tạo nên hương vị đặc sắc vị đắng lá đu đủ kết hợp với cay của rau cải nương cùng hương vị thơm ngon của măng chua nấu thịt gà sẽ tốt cho sức khỏe.
Rêu đá Tân Sơn
Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to (nơi rêu bám vào để phát triển). Rêu được “bắt” thành từng dây dài, tùy từng khúc suối sâu hay nông mà có màu xanh lục hay xanh non. Rêu được bỏ vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát hoặc chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì phải giặt và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rổ rêu đá lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu đá xanh đậm, sờ vào mềm và mát như lụa.
Rêu đã làm sạch được tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá dong gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, họ vừa nấu cơm, vừa vùi rêu vào than hồng. Lớp lá dong bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng. Rêu giờ đây giống như món tảo biển có vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.
Bánh trứng kiến người Mường
Nếu như đối với những người dân tộc Kinh, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm thường tổ chức “Tết hàn thực” hay còn gọi Tết bánh trôi - bánh chay thì người Mường lại tổ chức ăn “Tết thanh minh” với món đặc sản là bánh trứng kiến.
Theo quan niệm của người Mường, mỗi năm chỉ làm loại bánh này đúng một đợt vào lúc mặt trời đỏ nhất trong năm và cũng chỉ trong tháng ấy mới có loại trứng kiến mang hương vị khác lạ nhất so với các loại kiến làm tổ trên cây khác. Người Mường cho rằng thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch mặt trời sẽ đỏ rực nhất, đó là lúc những tổ kiến đen trên ngọn cây luồng, cây keo, cây nứa,… trong rừng có nhiều trứng nhất, theo kinh nghiệm của đồng bào, mặt trời càng đỏ thì trứng càng to nhanh, trứng ngon nhất khi nó to nhất thì bằng hạt gạo nương và có màu trắng hồng béo ngậy.
Để làm món bánh trứng kiến, người Mường vào rừng tìm cây nứa, cây luồng có những tổ kiến to, có nhiều trứng. Người thì chặt tổ trên cây cho rơi xuống, người thì cho tổ vào mẹt đập nhẹ cho rơi trứng ra, người thì vừa kéo mẹt đi vừa bẻ cành lá cho vào để lừa kiến bò đi chỗ khác, sau đó sàng sẩy cho sạch vỏ tổ, còn lại những quả trứng kiến chắc, mẩy. Trứng kiến sau đó được rửa sạch, phơi khô.
Những gia vị cho món bánh trứng kiến thêm thơm, ngon gồm có: Lóng chuối (nõn chuối rừng), rau đáu (rau răng cưa), rau dổi, lá kiệu cùng gạo tẻ đã được ngâm qua nước. Tất cả những nguyên liệu này được chộn lẫn với nhau, cho vào cối giã nhỏ, thêm gia vị (mắm, muối, mì chính) vừa đủ sau đó được nặn thành viên to gần bằng nắm tay, tán dẹt, cho trứng kiến vào giữa và dùng lá sung mật gói lại rồi cho vào nồi hấp hoặc đồ chín. Khi bánh đã chín, mang ra xếp vào rổ để nguội là có thể thưởng thức mà không cần chấm thêm bất kỳ gia vị nào.
Bắp chuối lam sườn
Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.
Rau rừng đồ
Nhắc đến ẩm thực của người Mường, thực khách thường nghĩ ngay đến những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối như: món cá suối, thịt lợn rừng, măng chua… nhưng có lẽ ít ai đã được thưởng thức món rau rừng đồ. Với đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao Thanh Sơn, từ những loại rau rừng bình dị, gần gũi trong vườn nhà, trên vách núi, đồng bào đã chế biến nên món rau rừng hết sức độc đáo, hấp dẫn mang đặc trưng riêng mà chỉ người Mường mới có.
Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá đu đủ. Rau đồ có thể xem như một món ăn rất truyền thống của người Mường, đồng bào đi làm nương về cũng có thể hái rau rồi làm món ăn này. Điều đặc biệt hơn, trong các loại rau rừng đồng bào đem đồ cũng là một trong những vị thuốc vì những loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể…. Chỉ từ những sản vật của núi rừng mà người Mường Thanh Sơn đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt.
Cua suối Xuân Sơn
Cua suối hay còn gọi là cua đá sinh sống ở trong các khe núi đá. Vào mùa hè, thường là vào lúc chiều nhá nhem tối cho đến hết đêm, cua bắt đầu bò từ núi đá ra các khe suối. Khi đó, bà con rủ nhau đi bắt cua bằng tay. Ban ngày, cua lại chui vào hang trong các khe núi, nên nếu muốn bắt được cua thì phải có cần và mồi bằng giun đưa vào hang để dụ cua cặp vào mồi rồi kéo ra. Cách làm này cũng đơn giản nên ngay cả bọn trẻ nơi đây cũng có thể bắt được cua. Sau khi bắt được cua mang về, bà con dân tộc thường chế biến, không cầu kỳ và không cần nhiều gia vị. Cua suối có kích thước tương đối to, mỗi ki-lô-gam được từ 7-10 con. Chỉ một lớp cây xả nhổ ngoài vườn rửa sạch lót dưới đáy nồi, cua được xếp lên trên ngay ngắn, đậy nắp đặt lên bếp củi đun lửa vừa vừa, 15 phút sau là cua chín. Cua suối khi nấu chín có màu vàng hồng xen lẫn màu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng trộn lẫn hương thơm của cây xả. Cua được bày lên đĩa ăn nóng chấm với muối trắng kèm theo ớt. Không chỉ đẹp mắt mà khi ăn cua rất chắc thịt và mang vị đậm đà.
Chuối cô đơn
Xuân Sơn còn có chuối cô đơn, đây cũng lại là một loại cây lạ mới chỉ được phát hiện ở Hòa Bình và Khu bảo tồn Tà Cú, Bình Thuận. Chuối cô đơn, hay còn gọi là chuối bạc hà thường sống đơn độc giữa rừng già. Nó trồng bằng hạt chứ không có chuối con ấp mẹ như chuối thường. Cây cao tới 3m, đường kính thân chỗ to 0,6m, thon vót lên ngọn; bản lá có kích thước 0,6m x 3m. Cây thân kép, màu xanh nhạt có phủ lớp sáp trắng. Rất ít khi ra hoa nhưng đã ra hoa thì cực kỳ lạ: hoa chuối màu xanh cốm, rất to, đậu ít quả nhưng nhiều hạt.
Lịch trình du lịch Xuân Sơn
Để thuận tiện hơn cho việc lập kế hoạch, Cùng Phượt chia sẻ với các bạn một số lịch trình du lịch và phượt Xuân Sơn để tham khảo. Từ các lịch trình cơ bản này, các bạn có thể thay đổi và sắp xếp cho phù hợp với kế hoạch riêng của mình.
Hà Nội - Vườn Quốc Gia Xuân Sơn - Hà Nội
Hà Nội - Thanh Thủy - VQG Xuân Sơn
Lịch trình này kết hợp tắm khoáng nóng Thanh Thủy và khám phá Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các bạn cần có phương tiện cá nhân để thực hiện được theo lịch trình này.
Ngày 1: Hà Nội - Thanh Thủy - Đồi Chè Long Cốc - VQG Xuân Sơn
Khởi hành từ Hà Nội đi theo đường 32, qua cầu Trung Hà các bạn rẽ trái đi Thanh Thủy, đến khu suối khoáng nóng Thanh Thủy thì dừng nghỉ ngơi, tắm khoáng rồi ăn trưa.
Chiều từ Thanh Thủy khởi hành đi đồi chè Long Cốc ở Tân Sơn, đây là một trong những đồi chè khá đẹp nhé. Chụp ảnh ọt ở đây xong thì đi thẳng vào VQG Xuân Sơn.
Tối nghỉ ngơi, ăn uống thưởng thức các đặc sản ở Xuân Sơn. Đừng quên nghỉ homestay của người dân ở các bản nhé.
Ngày 2: Khám phá Xuân Sơn
Sáng ngủ dậy sau khi ăn sáng các bạn chuẩn bị đồ đạc để khám phá một số địa điểm ngay trong VQG như: bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần, khám phá rừng nguyên sinh rồi thăm Bảo tàng thiên nhiên Xuân Sơn.
Chiều khởi hành về Hà Nội
Hà Nội - Xuân Sơn - Tà Xùa - Nghĩa Lộ
Lịch trình này các bạn nên sử dụng xe máy bởi chặng đi qua Tà Xùa sang Văn Chấn ô tô khả năng cao là không đi được.
Ngày 1: Hà Nội - Xuân Sơn
Khởi hành từ Hà Nội đi Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, trước khi vào Vườn Quốc Gia các bạn có thể ghé qua đồi chè Long Cốc để chụp ảnh.
Đến trưa tới Xuân Sơn thì nhận phòng, ăn trưa, thưởng thức các món đặc sản ở đây rồi sau đó nghỉ ngơi một chút, đầu giờ chiều khám phá bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần, khám phá rừng nguyên sinh rồi thăm Bảo tàng thiên nhiên Xuân Sơn.
Tối ngủ homestay ở Xuân Sơn.
Ngày 2: Xuân Sơn - Phù Yên - Tà Xùa
Từ Xuân Sơn đi tiếp theo đường xuyên rừng để ra QL32 rồi rẽ QL32B đi Phù Yên, tiếp tục chạy thẳng lên Tà Xùa săn mây.
Tối nghỉ ngơi tại Tà Xùa.
Ngày 3: Tà Xùa - Nghĩa Lộ - Hà Nội
Từ Tà Xùa chạy theo đường Bắc Yên - Trạm Tấu rồi về Nghĩa Lộ. Nếu có thời gian thì ở lại Nghĩa Lộ 1 ngày, khám phá Nghĩa Lộ rồi hôm sau về Hà Nội. Nếu không có thời gian thì về đây nghỉ ngơi ăn uống, rồi chạy thẳng về Hà Nội.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Xuân Sơn 2024
- du lịch Xuân Sơn tháng 5
- tháng 5 Xuân Sơn có gì đẹp
- review Xuân Sơn
- hướng dẫn đi Xuân Sơn tự túc
- ăn gì ở Xuân Sơn
- phượt Xuân Sơn bằng xe máy
- Xuân Sơn ở đâu
- đường đi tới Xuân Sơn
- chơi gì ở Xuân Sơn
- đi Xuân Sơn mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Xuân Sơn
- homestay giá rẻ Xuân Sơn