Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Các bệnh động mạch vành như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực,... có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người bệnh. Hiểu rõ về động mạch vành và bệnh mạch vành sẽ giúp bệnh nhân phát hiện, phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Động mạch vành là gì?
Để cơ tim hoạt động được, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, cơ tim cần được cung cấp đủ máu giàu oxy. Máu được cung cấp cho cơ tim qua một hệ thống động mạch vành.
Vậy động mạch vành khác gì so với động mạch chủ?
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể. Động mạch chủ gồm động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng. Động mạch vành là một nhánh của động mạch chủ ngực.
2. Vai trò của động mạch vành
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng chính là cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim để tim hoạt động bình thường.
Hệ mạch vành gồm có động mạch vành trái và động mạch vành phải. Các nhánh động mạch này xuất phát từ gốc động mạch chủ, trong các xoang Valsalva và chạy trên bề mặt tim. Sau đó, chúng tiếp tục chia ra thành các nhánh nhỏ hơn như nhánh vách, nhánh chéo, nhánh bờ,... làm nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tất cả các cấu trúc trong quả tim. Tim làm nhiệm vụ bơm máu cung cấp cho toàn bộ cơ thể, duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan.
3. Những bệnh lý thường gặp ở động mạch vành
Để hoạt động bình thường, cơ tim cần được cung cấp năng lượng và oxy từ các động mạch vành. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của mạch vành bị hẹp, tắc (chủ yếu do mảng xơ vữa động mạch), khiến dòng máu từ mạch vành tới cơ tim giảm sút, không đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim. Khi động mạch vành bị hẹp từ 70% đường kính lòng mạch trở lên, sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành.
Vậy bệnh mạch vành có nguy hiểm không? Tùy vào dạng bệnh lý của động mạch vành, mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Các bệnh lý mạch vành thường gặp là:
3.1. Đau thắt ngực
Khi mạch vành bị tắc nghẽn, cơ tim bị thiếu máu và oxy sẽ dẫn tới các cơn đau thắt ngực. Người bệnh mạch vành sẽ có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt hoặc đè ép ở lồng ngực. Vị trí đau thường là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Cơn đau có thể xảy ra tại chỗ hoặc lan lên cổ, vai, hàm, cánh tay trái, lan ra sau lưng hoặc vùng cột sống. Cơn đau thắt ngực thường rất ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng 10 - 30 giây hoặc một vài phút. Có 2 loại đau thắt ngực ở người mắc bệnh mạch vành là:
- Cơn đau thắt ngực ổn định là do mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành, xuất hiện lặp đi lặp lại, cơn đau ngắn, xảy ra khi bệnh nhân gắng sức và giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi. Đau thắt ngực ổn định thường liên quan đến sự ổn định của mảng xơ vữa động mạch và ít có biến chứng nguy hiểm.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi các mảng xơ vữa trong mạch vành bị nứt, vỡ khiến người bệnh bị đau bất kỳ lúc nào, cơn đau nhiều và dài, đau cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau này liên quan đến tình trạng bất ổn của mảng xơ vữa động mạch vành. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì nếu không được xử trí kịp thời có thể chuyển thành nhồi máu cơ tim hay thậm chí là đột tử.
3.2. Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch vành bị tắc hoàn toàn một cách nhanh chóng, gây hoại tử vùng cơ tim không được cung cấp máu. Cơ chế gây nhồi máu cơ tim là do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bít tắc hoàn toàn mạch vành. Hậu quả của nhồi máu cơ tim sẽ phụ thuộc vào độ rộng của vùng bị nhồi máu. Vùng cơ tim bị chết càng rộng thì chức năng tim càng suy giảm nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây suy tim.
Động mạch vành đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Rất nhiều bệnh lý có thể phát sinh trên mạch vành sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần định kỳ kiểm tra sức khỏe để tầm soát bệnh mạch vành, kịp thời phát hiện bệnh và có phương án điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.