Quá trình vận cơ chịu ảnh hưởng của nhiều cơ quan như hệ cơ - xương - khớp, hệ thống thần kinh hay thậm chí tâm lý của người bệnh. Thông qua quá trình thăm khám cơ lực với thao tác thông thường và nghiệm pháp đặc biệt, bác sĩ sẽ có thông tin cần thiết để đánh giá cơ lực người bệnh. Từ đó, chuyên gia sẽ định hướng tổn thương và xây dựng kế hoạch trị liệu hiệu quả.
Thực hiện khám cơ lực là gì?
Khám cơ lực là một thăm khám lâm sàng quan trọng, đặc biệt là trong những trường hợp nghi ngờ về liệt vận động hoặc loạn trương lực cơ gây ra bởi tổn thương hệ thống thần kinh. Trong quá trình khám, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp và nghiệm pháp đặc biệt để đánh giá cơ lực của bệnh nhân. Dưới đây là cách thực hiện khám cơ lực theo các bước cụ thể.
Quy trình khám cơ lực
Đầu tiên, cần đánh giá tình trạng vận động của người bệnh thông qua các động tác thông thường, cơ bản. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các động tác đồng thời ở cả hai bên như giơ cao, duỗi hoặc gấp hai chân và hai tay.
Nếu người bệnh không thực hiện được động tác, điều này có thể chỉ ra tình trạng liệt cơ, sau khi đã loại trừ các tình trạng bệnh lý dễ nhầm lẫn như bệnh xương khớp hoặc bệnh hysteria.
Sau đó, người bệnh sẽ được thực hiện thao tác chống đối động tác. Cụ thể, bác sĩ sẽ chống lại động tác của người bệnh để nắm bắt được cơ lực của từng nhóm cơ một. Ví dụ, nếu người bệnh co tay, bác sĩ cố kéo tay người bệnh ra hoặc ngược lại, thực hiện đối xứng ở cả hai bên.
Các bước khám giúp bác sĩ nắm bắt được nhóm cơ nào yếu hoặc liệt hoàn toàn, đồng thời so sánh hay đánh giá cơ lực giữa tay và chân, chi trên và dưới.
Trong trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sử dụng các nghiệm pháp đánh giá cụ thể cơ lực. Trong đó, nghiệm pháp Barré thường được thực hiện với cả chi trên và chi dưới. Với chi trên, người bệnh giơ thẳng hai tay tạo góc 60 độ so với mặt giường.
Dấu hiệu liệt nhẹ bao gồm cẳng tay rơi xuống chậm kèm quay sấp hoặc không. Liệt rõ thể hiện khi tay rơi nhanh xuống dưới giường khi thực hiện nghiệm pháp.
Với chi dưới, cẳng chân người bệnh được yêu cầu tạo góc 45 độ so với mặt giường. Dấu hiệu liệt bao gồm chân rơi xuống nhanh chóng nếu liệt nặng hoặc biểu hiện liệt kín đáo khi chân rơi xuống từ từ.
Một biện pháp khác thường được thực hiện là nghiệm pháp Mingazzini với chi dưới. Bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa, giữ đầu gối cùng cẳng chân tạo góc 90 độ với mặt giường. Dấu hiệu liệt khi chân bên liệt rơi xuống nhanh chóng mà người bệnh không kiểm soát được.
Để đánh giá cơ lực ngón trỏ và ngón cái, bác sĩ có thể thực hiện nghiệm pháp gọng kìm. Cụ thể, bệnh nhân bấm đầu ngón trỏ vào đầu ngón cái tạo thành tư thế gọng kìm. Nếu có liệt hoặc giảm cơ lực, gọng kìm sẽ mở ra dễ dàng bởi bác sĩ. Ngược lại, nếu bác sĩ không thể phá bỏ gọng kìm khi người bệnh vận lực sẽ được đánh giá cơ lực tốt.
Đánh giá kết quả thăm khám cơ lực
Việc đánh giá cơ lực sau khi thăm khám không chỉ giúp xác định tình trạng liệt mà còn cung cấp thông tin chi tiết về cường độ cũng như vị trí liệt, từ đó giúp bác sĩ định hướng bệnh và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
Thông qua thang điểm cơ lực dựa trên các mức độ từ 0 đến 5 giúp xác định rõ ràng sự khác biệt giữa trạng thái không có sự co cơ đến trạng thái cơ lực bình thường. Việc đánh giá cơ lực không chỉ dừng lại ở việc xác định mức độ hoạt động cơ bản mà còn bao gồm cường độ và vị trí liệt của bệnh nhân.
Thông tin này có ý nghĩa lớn trong việc xác định phạm vi ảnh hưởng của tình trạng liệt đối với khả năng thực hiện các động tác hàng ngày. Đồng thời, mức độ liệt giúp bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ cũng cần chú ý đến thời gian và cách thức thực hiện các động tác, điều này có thể giúp phân loại liệt nhẹ hay nặng, từ đó xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Điều này có thể liên quan đến tình trạng teo cơ hoặc hạn chế cử động do các vấn đề về khớp, việc loại trừ nguyên nhân này sẽ hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán, điều trị.
Khu trú vị trí tổn thương thần kinh
Khi bác sĩ khu trú vị trí tổn thương thần kinh tương ứng với vị trí liệt, có ảnh hưởng đến cả tổn thương gốc dây thần kinh hay rễ thần kinh. Một điểm quan trọng được nhấn mạnh là việc xác định nguyên nhân gây liệt cần được xác định ở trung ương hay ngoại biên. Điều này tác động trực tiếp đến phương pháp điều trị phù hợp.
Thông qua khám cơ lực, bác sĩ có thể phân biệt giữa liệt ngoại biên hay liệt trung ương. Liệt ngoại biên thường đi kèm với phản xạ gân gương giảm, liệt mềm, teo cơ và phản ứng thoái hóa điện.
Trong khi đó, liệt trung ương thường xuất hiện ở tư thế nằm với biểu hiện ban đầu là liệt mềm, sau đó tiến triển thành liệt cứng, phản xạ gân xương tăng kèm theo dấu hiệu Babinski đặc trưng cho tổn thương bó tháp..
Thông qua việc xác định vị trí tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể giải mã những dấu hiệu và triệu chứng mà bệnh nhân trải qua. Đối với tổn thương thân thần kinh, có thể xảy ra liệt vận động trong một nhóm cơ được chi phối bởi một dây thần kinh sọ não hoặc thần kinh tủy.
Ngược lại, đối với tình trạng tổn thương rễ thần kinh, biểu hiện liệt vận động có thể xảy ra trong một nhóm cơ được chi phối bởi một hoặc nhiều rễ tủy trước.
Điều quan trọng là bác sĩ cần tiếp cận vấn đề này một cách toàn diện, đặc biệt trong quá trình xác định nguyên nhân gây liệt. Việc này giúp xác định liệu pháp điều trị thích hợp, phương pháp chữa trị có thể là phẫu thuật, vật lý trị liệu hoặc các phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về quy trình khám cơ lực được thực hiện bởi bác sĩ. Thông qua quá trình thăm khám, chuyên gia có thể đánh giá cường độ cơ lực, mức độ liệt cũng như khu trú vị trí tổn thương ở thân hay rễ thần kinh, căn nguyên ở ngoại vi hay trung ương thần kinh.