Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu gây khó chịu cho người bệnh. Những câu hỏi về việc vỏ cây xà cừ trị vảy nến được đặt ra thường xuyên. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không nhé!
Những thông tin về bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến được cho là một vấn đề của hệ thống miễn dịch khiến các tế bào da phát triển nhanh hơn bình thường. Bệnh vảy nến là một bệnh phổ biến, lâu dài (mãn tính) và không có cách chữa trị triệt để. Vảy nến có thể gây ngứa ngáy, đau đớn, cản trở giấc ngủ và khó tập trung. Tình trạng này có xu hướng diễn biến theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó giảm bớt một thời gian.
Phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh nguyên nhân của bệnh vảy nến, nhưng có thể xác định những yếu tố nguy cơ liên quan đến việc khởi phát bệnh vảy nến như:
- Người bị rối loạn hệ miễn dịch;
- Căng thẳng, lo âu kéo dài;
- Di truyền: Người có người thân trong gia đình có tiền sử bị vảy nến;
- Lạm dụng thuốc corticosteroid.
Phương pháp điều trị bệnh vảy nến hiện nay gồm điều trị dùng thuốc và điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Điều trị bằng thuốc thì gồm điều trị tại chỗ bằng kem bôi, thuốc bôi hay điều trị toàn thân bằng cách uống thuốc hoặc tiêm (trong trường hợp nặng).
Vỏ cây xà cừ trị vảy nến có hiệu quả không?
Cây xà cừ (sọ khỉ, quả gỗ) là loại cây thuộc họ Xoan, có tên khoa học là Khaya senegalensis. Thường thấy phổ biến trên đường phố ở Việt Nam. Vỏ xà cừ đúng là có tác dụng chữa bệnh ngoài da vì có chứa chất chát. Tuy nhiên, bất cứ loại cây cỏ nào có vị chát cũng đều có tác dụng với bệnh ngoài da. Chất chát trong cây cỏ chính là tanin, có nhiệm vụ làm se da, giúp da nhanh lành.
Tuy nhiên, vỏ cây xà cừ không có tác dụng sát khuẩn. Nếu bị các bệnh về da như ghẻ ngứa, nổi mề đay mà dùng vỏ cây xà cừ để đun lấy nước tắm thì có thể làm tình trạng bệnh càng nặng hơn, gây nhiễm khuẩn, khiến việc điều trị gặp khó khăn. Đặc biệt, với trẻ em, tuyệt đối không nên dùng các loại vỏ, lá, rễ,... để tắm theo kinh nghiệm, theo truyền miệng vì da trẻ rất mỏng manh nhạy cảm, dễ bị nhiễm trùng, tổn thương.
Việc sử dụng cây xà cừ trị vảy nến không đúng cách, đúng liều có thể sẽ dẫn đến chất độc ngấm qua máu gây ngộ độc. Nhiều người nghĩ bôi ngoài da sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhưng thực tế là khi đã ngộ độc sẽ rất nặng.
Hiện nay chưa tài liệu nghiên cứu nào khẳng định vỏ cây xà cừ dùng để chữa các bệnh viêm da do tự miễn như vảy nến. Tuy Đông y chưa có thực nghiệm, nhưng dùng loại cây này chữa bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Vỏ cây xà cừ chứa thành phần alkaloid có khả năng gây trúng độc cho người dùng ngay cả với lượng nhỏ. Vì vậy, mọi người tuyệt đối không dùng để tắm vì có thể gây ngộ độc nặng.
Thay vào đó, dân gian trước nay chỉ dùng xuyên tâm liên (trị vảy nến, ngứa mụn nhọt), loại cây như lá đào, lá bưởi, cây nhọ nhồi, trà xanh,… để hỗ trợ chữa bệnh ngoài da. Đây đều là những loại dược liệu đã được trồng phổ biến, có giá thành rẻ. Ngoài ra, cần kết hợp với các loại thuốc uống mới cho kết quả điều trị hiệu quả.
Biện pháp hỗ trợ điều trị vảy nến
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị giúp làm cải thiện triệu chứng của bệnh vảy nến, thay vì dùng xà cừ trị vảy nến. Và người bệnh có thể thử các thói quen sinh hoạt và chiến lược đối phó để có thể “chung sống” tốt hơn với bệnh vảy nến.
- Kem chiết xuất lô hội: Được lấy từ lá của cây lô hội, kem chiết xuất lô hội có thể làm giảm vảy, ngứa và viêm. Bạn có thể cần sử dụng kem nhiều lần trong ngày trong một tháng hoặc lâu hơn để thấy được sự cải thiện nào trên làn da của mình.
- Bổ sung dầu cá: Uống dầu cá kết hợp với liệu pháp trị liệu ánh sáng có thể làm giảm mức độ phát ban. Thoa dầu cá lên vùng da bị ảnh hưởng và đắp băng lại sáu giờ mỗi ngày trong 4 tuần có thể cải thiện tình trạng bong tróc.
Có một số điều bạn có thể làm để giúp việc sống chung với bệnh vảy nến trở nên dễ dàng hơn theo thời gian:
- Tắm hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng không gây dị ứng. Cố gắng không làm khô da quá mạnh.
- Giữ ẩm cho làn da của bạn bằng một loại kem hoặc thuốc mỡ dày.
- Bác sĩ có thể đề nghị trị liệu bằng ánh sáng chiếu trực tiếp lên da của bạn. Nếu không, sẽ rất tốt nếu phơi nắng ít nhất 15 đến 30 phút ánh sáng mặt trời hàng ngày, khung giờ từ 6 giờ đến 8 giờ sáng.
- Tập thể dục, ngủ nhiều và thử các phương pháp thư giãn khác nhau, chẳng hạn như thiền, yoga, viết nhật ký về nguyên nhân gây ra cơn bùng phát của bạn.
- Thiết lập một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, ăn những thức ăn hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng như thực phẩm giàu vitamin D, chất béo omega-3 từ cá hay các loại hạt, ăn nhiều hoa quả và rau xanh như bông cải xanh, các loại quả giàu vitamin C, uống nhiều nước,...
- Kiêng ăn các thực phẩm có thể kích thích khởi phát các triệu chứng như thịt đỏ hay các chế phẩm từ thịt đỏ, các chế phẩm từ thịt đỏ, sữa, chế phẩm có chứa gluten như mì ống, lúa mì, lúa mạch,... Kiêng các đồ uống như bia, rượu,...
Bệnh vảy nến là một tình trạng kéo dài suốt đời và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu bạn không được điều trị. Tuy nhiên, dùng vỏ cây xà cừ trị vảy nến không được coi là phương pháp hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Thay vào đó, nên cân nhắc sử dụng các loại kem thuốc mỡ được đề xuất bởi chuyên gia da liễu để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn. Quan trọng nhất, với sự chăm sóc đúng cách và sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế, bạn vẫn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và quản lý bệnh vảy nến một cách tốt nhất.