Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành Sản phụ khoa và đã công tác tại tất cả các vị trí ở khu vực phòng khám, phòng sinh, phòng cấp cứu sản phụ khoa, phòng thủ thuật và khu điều trị theo yêu cầu.
Nếu bị tiêu chảy nặng, sản phụ dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Sản phụ, cần có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa cho mẹ bầu và sự phát triển bình thường của thai nhi.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở bà bầu
Khi bà bầu có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng trong 1 ngày đi 3 lần trở lên thì đây là một dấu hiệu tiêu chảy.
Có thể nhắc đến một số nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy ở mẹ bầu như do virus, vi khuẩn, vi trùng đường ruột, ngộ độc thực phẩm, thuốc... hay một số bệnh lý tình trạng phổ biến cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy ở mẹ bầu như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh celiac và viêm loét đại tràng.
Ngoài ra các nguyên nhân gây tiêu chảy ở mẹ bầu mang thai mà chúng ta dễ dàng nhận biết hơn bao gồm:
- Chế độ ăn uống thay đổi đột ngột, khiến hệ tiêu hóa không kịp thích nghi, không quen dẫn đến tình trạng tiêu chảy trong thời gian đầu mang thai.
- Nhạy cảm với thức ăn mới, lạ, thực phẩm trước đây chưa từng ăn trước khi mang thai có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy khi ăn ở thời kỳ mang thai.
- Uống nhiều vitamin sẽ khiến bao tử khó chịu và gây tiêu chảy. Mẹ bầu nên bổ sung lượng vitamin vừa đủ cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Hormone thay đổi làm chậm hoặc tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy trong thời kỳ mang thai.
Tình trạng tiêu chảy thường phổ biến hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ, gần ngày sinh, tiêu chảy ở bà bầu có thể trở nên nặng hơn do nguyên nhân có thể mẹ bầu chuẩn bị cho việc sinh nở. Tuy nhiên không phải tất cả mẹ bầu đều bị tiêu chảy trong những tháng cuối thai kỳ, một số có thể không bị.
2. Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm không?
Tình trạng tiêu chảy thai kỳ có thể kéo dài từ 1-10 ngày tùy vào nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên việc bị tiêu chảy kéo dài ở mẹ bầu sẽ gây ra những nguy hiểm nhất định. Phổ biến là mẹ bầu dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Thời gian bị tiêu chảy, mẹ bầu cần biết cách bù nước, các chất điện giải để đảm bảo sức khỏe.
Phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng kém hơn nên khi mắc tiêu chảy nặng hơn các trường hợp bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Thai nhi có mẹ bị tiêu chảy kéo dài trong thai kỳ sẽ chịu những ảnh hưởng không tốt về sức khỏe, thậm chí bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nguy hiểm nhất có thể dẫn để chết thai.
3. Điều trị tiêu chảy khi mang thai bằng cách nào?
Phần lớn các trường hợp tiêu chảy khi mang thai đều tự khỏi, bà bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên mẹ bầu nên biết nếu tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, virus, vi khuẩn, mẹ bầu cần uống nhiều nước để rút ngắn thời gian tiêu chảy. Biết được nguyên nhân gây tiêu chảy sẽ có cách điều trị hợp lý và hiệu quả.
Bà bầu cần xem xét lại thuốc mình đang sử dụng, nhờ có sự tư vấn của bác sĩ để biết nguyên nhân gây tiêu chảy có phải do thuốc không để điều chỉnh lại hợp lý. Nếu tình trạng tiêu chảy 2-3 ngày vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ bầu nên đến bác sĩ để khám, thực hiện xét nghiệm để tìm ra căn nguyên tiêu chảy.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng cần được xem xét cẩn thận, tránh xa các thức ăn có nguy cơ tiêu chảy như đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên xào, đồ cay, chế phẩm sữa, thức ăn giàu chất xơ...
Để điều trị tiêu chảy khi mang thai, mẹ bầu cần có sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ phù hợp với tình trạng tiêu chảy.
Để phòng ngừa tối đa nguy cơ tiêu chảy trong thời kỳ mang thai, bà bầu cần:
- Uống nhiều nước.
- Tránh các loại nước hoa quả, nước ngọt, nước có gas...
- Có chế độ nghỉ ngơi nhiều hơn vì tiêu chảy gây ra khá nhiều phiền toái và khó chịu, cơ thể luôn mệt mỏi.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại rau sống chưa rửa sạch, tuyệt đối không ăn gỏi, tiết canh hay thịt tái sống...
- Hạn chế ăn uống ở hàng quán khi chưa thật sự tin cậy về khâu chế biến thực phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.
- Tránh nhóm thực phẩm giàu gia vị hay ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép.
- Hạn chế những loại cá biển, tôm, ốc hoặc các thực phẩm bạn từng có tiền sử bị đau bụng, tiêu chảy khi ăn chúng.
- Bà bầu mang thai trong 3 tháng đầu khi bị đau bụng tiêu chảy nên ăn các thực phẩm như: bánh mì nướng, nước sốt táo, gạo, khoai tây nghiền (không có phụ gia), bánh quy, mì (không có phụ gia); chuối, cà rốt nấu chín, bí nấu chín, cháo và bột yến mạch.
- Bổ sung sữa chua đẩy lùi tiêu chảy khá hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.