Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Vi khoáng là gì? Vai trò của vi khoáng trong cơ thể và tại sao thiếu vi khoáng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em?
1. Vi khoáng là gì?
Để duy trì hoạt động sống hằng ngày cũng như tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ sức khỏe thì các khoáng chất đóng vai trò thiết yếu và không thể thay thế. Các khoáng chất được nạp vào cơ thể chủ yếu qua việc ăn uống hằng ngày hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc bổ để bổ sung khoáng chất.
Các khoáng chất chính cần cung cấp cho cơ thể bao gồm clorua, natri, kali, canxi, photpho, magie. Tuy nhiên đây chỉ là những khoáng chất cần cho cơ thể còn để có một sức khỏe tốt cũng như phát triển toàn diện, mỗi người cần phải nạp thêm các vi khoáng.
Vi khoáng là những khoáng chất vi lượng cần thiết và không thể thiếu trong cơ thể con người. Tuy nhiên vi khoáng không cần lượng lớn như các khoáng chất trên mà chỉ cần một lượng rất nhỏ để tham gia quá trình vận hành cơ thể.
Các vi khoáng chủ yếu có thể kể đến như kẽm, đồng, iot, sắt, selen, cobalt, flour, mangan, crom...
2. Vi khoáng trong cơ thể có vai trò như thế nào với sức khỏe?
Sau đây là những vai trò của các vi khoáng đối với sức khỏe bạn nên biết:
- Kẽm
Đây là vi chất tham gia vào cấu tạo và chức năng của rất nhiều loại enzym khác nhau trong cơ thể. Bên cạnh đó kẽm có vai trò kích thích ăn uống, giúp trẻ tăng hấp thu và phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ.
- Iot
Iot là vi chất có vai trò giúp tổng hợp hormone giúp điều chỉnh và phát triển hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục, duy trì năng lượng cho hoạt động của cơ thể... Ngoài ra iot là vi chất vô cùng quan trọng với tuyến giáp, tham gia tạo hormone tuyến giáp T3 và T4, iot còn giúp chuyển hóa beta - caroten thành vitamin A, giúp tổng hợp protein trong cơ thể và hấp thụ đường trong ruột non.
- Selen
Selen có ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, là vi chất quan trọng giúp hệ miễn dịch của mỗi người khỏe mạnh chống lại bệnh tật. Selen còn tham gia vào quá trình chuyển hóa iot, là một vi chất quan trọng trong quá trình tạo hormon tuyến giáp.
- Cobalt
Đây là một vi chất với hàm lượng rất ít trong cơ thể người và được tích lũy ở gan. Cobalt là nguyên tố chính của vitamin B12, có vai trò chống thiếu máu, kích thích tiêu hóa, giúp tăng cường trí nhớ, hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh...
- Flour
Đây là vi chất có vai trò trong sự phát triển của xương và răng, có ảnh hưởng đến sự điều hòa và chuyển hóa canxi photpho.
- Mangan
Đây là nguyên tố vi lượng cơ bản của sự sống, có tác động đến sự hô hấp của tế bào, sự phát triển xương, chuyển hóa gluxit và các ảnh hưởng đến hoạt động của não. Mangan còn tham gia tổng hợp axit béo, sản xuất hormon giới tính, tác động đến sự chuyển hóa của tuyến giáp...
- Crom
Crom với vai trò tăng khả năng hiện diện của insulin giúp ổn định đường máu, điều hòa đường huyết. Cơ thể thiếu crom có nguy cơ giảm hàm lượng cholesterol tốt, tăng tích mỡ trong cơ thể, mắc các bệnh về tim mạch cao, có ảnh hưởng nhất định đến cảm xúc của mỗi người.
3. Thiếu vi khoáng sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Mặc dù các vi khoáng chỉ cần một lượng rất nhỏ để vận hành hoạt động sống hằng ngày nhưng sẽ ra sao nếu cơ thể thiếu vi khoáng trong thời gian dài? Cùng tìm hiểu những hậu quả có thể xảy ra khi thiếu vi khoáng trong cơ thể:
Trí não chậm phát triển: Cơ thể thiếu các vi khoáng đặc biệt là giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ có thể gây ra hậu quả như trẻ chậm tiếp thu, không nhanh nhạy, cảm xúc không kiểm soát được và thường xuyên cáu giận. Chậm phát triển trí não do thiếu vi chất rất khó nhận biết vì biểu hiện không rõ ràng và đến khi phát hiện thường muộn và bỏ qua thời điểm điều trị tốt.
Suy dinh dưỡng: Đây là biểu hiện dễ nhận biết nhất ở trẻ thiếu vi khoáng bởi nhiều chất tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa của trẻ. Sự thiếu hụt vi khoáng trong cơ thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ làm việc kém, trẻ biếng ăn và chậm tăng cân hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu: Các vi khoáng trong cơ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch, cụ thể là quá trình hình thành và hoàn thiện hệ miễn dịch. Khi thiếu đi các vi khoáng này, hệ miễn dịch sẽ suy yếu và không thể bảo vệ cơ thể trước bệnh tật.
4. Cách bổ sung vi khoáng tự nhiên
Năm 2003, báo cáo của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 6 tháng đến 12 tuổi bị thiếu vi khoáng nghiêm trọng và là tình trạng đáng báo động liên quan đến vấn đề sức khỏe dinh dưỡng của trẻ.
Các vi khoáng cần thiết cho cơ thể không tự sinh ra mà cần bổ sung bằng nguồn thực phẩm hằng ngày chính vì vậy cha mẹ cần đa dạng thực đơn cho trẻ, đáp ứng được đủ 4 thành phần đường tinh, bột, đạm, chất béo, chất xơ. Tuy nhiên trong mỗi loại thực phẩm lại có hàm lượng vi khoáng khác nhau nên cha mẹ cần thường xuyên thay đổi thực đơn, giúp trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhất.
Bên cạnh việc thay đổi thực đơn, cha mẹ có thể sử dụng các sản phẩm cung cấp vi khoáng tự nhiên cho trẻ.
Vi khoáng là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể mặc dù chỉ cần một lượng rất nhỏ. Các vi khoáng trong cơ thể không tự sản sinh được mà cần bổ sung qua đường ăn uống vì vậy mỗi người cần chú ý phong phú thực đơn ăn uống của bản thân và gia đình để bổ sung đầy đủ dưỡng chất và có một cơ thể khỏe mạnh.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.