Bộ tam sên là một trong những lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng Thần Tài Thổ Địa, nhất là vào ngày vía Thần Tài. Đối với những người mới thờ Thần Tài, trước khi tiến hành thờ cúng, chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa của các vật phẩm, lễ vật thờ cúng. Nếu bạn đang băn khoăn không biết bộ tam sên cúng Thần Tài bao gồm những gì, có ý nghĩa ra sao thì đừng bỏ qua những thông tin dưới đây.
⇒Tham khảo thêm: Lễ vật cúng rước Thần Tài Thổ Địa mới thỉnh về và bài văn khấn
Ý nghĩa của bộ tam sên cúng Thần Tài
Thờ Thần Tài Thổ Địa là một trong những nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt. Thông thường, việc thờ cúng xuất phát từ mong cầu bình an, may mắn, sung túc, việc làm ăn, kinh doanh buôn bán được thuận lợi suôn sẻ, cuộc sống ít gặp trắc trở, tai ương, được ban phúc, trừ họa, ít ốm đau bệnh tật.
Mỗi vật phẩm thờ cúng, mỗi lễ vật được dâng lên trong mâm cúng Thần Tài Thổ Địa đều có những ý nghĩa riêng biệt. Mâm cúng Thần Tài ở mỗi vùng miền có thể có rất nhiều lễ vật khác nhau, tuy nhiên, bộ tam sên là một trong nhưng thức cúng quan trọng, không thể thiếu, hầu như nơi nào cũng có.
Theo PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyến (khoa Việt Nam học - ĐH KHXH&NV TP.HCM), bộ tam sên là một thức cúng không thể thiếu trong lễ cúng của người Việt, đặc biệt là người Việt ở Nam Bộ.
Theo đó, tam sên là bộ thức cúng gồm 3 lễ vật, tượng trưng cho 3 Thổ - Thiên - Thủy, chính là đất - trời - nước, 3 yếu tố có vai trò quan trọng cấu thành sự sống trên thế gian. Đây là lễ vật thường được người dân Nam Bộ dâng cúng Thần Tài Thổ Địa vào những dịp quan trọng như cúng rước Thần Tài Thổ Địa mới thỉnh, cúng vào những ngày rằm lớn, cúng ngày vía Thần Tài…
Ngoài ra, bộ tam sên còn được đọc là bộ tam, tượng trưng cho 3 loài thai sanh, noãn sanh và thấp sanh. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng sanh chia ra làm nhiều loài như thai sanh, thấp sanh, noãn sanh và hóa sanh. Trong đó, noãn sanh là những loài được sinh ra từ trứng, thai sinh là những loài được sinh ra từ thai, thấp sinh là những loài sinh ở dưới đất ẩm ướt, hóa sinh là bỏ bản chất cũ và sinh ra hình hài chất mới…
Nhìn chung, về ý nghĩa, của bộ tam sên trong mâm cúng Thần Tài Thổ Địa, có thể hiểu, mâm cúng này có những ý nghĩa như sau:
- Tượng trưng cho trời - đất - nước, 3 yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự sống con người
- Mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng thành của gia chủ, mong cầu may mắn, tài lộc, thuận lợi, ấm no, đủ đầy.
Bộ tam sên cúng Thần Tài bao gồm những gì?
Bộ tam sên là lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ Thần Tài Thổ Địa, hầu hết các bàn thờ của người Việt, nhất là khu vực Nam Bộ vào dịp vía Thần Tài, thỉnh Thần Tài Thổ Địa đều có. Lễ vật, mâm cúng Thần Tài cần được chuẩn bị chỉn chu, tươm tất để thể hiện thành ý của gia chủ, mong cầu các ngài ban phước lộc, may mắn, phù hộ độ trì để gia đạo ấm êm, việc làm ăn kinh doanh, buôn bán được thuận buồm xuôi gió, phát tài phát lộc.
Thông thường, bộ tam sên cúng Thần Tài Thổ Địa bao gồm những lễ vật sau:
- 1 miếng thịt heo ba chỉ luộc, tượng trưng cho Thổ. Heo là con vật sinh sống trên mặt đất, là loài được thai sinh.
- 1 hoặc 3 cái trứng gà hoặc trứng vịt luộc chín, tượng trưng cho Thiên. Gà vịt là loài có cánh, bay được, trứng gà, trứng vịt rất thông dụng, đồng thời, gà vịt cũng là loài được noãn sinh.
- 3 con tôm luộc hoặc 1 con cua luộc tượng trưng cho Thủy, đồng thời, tôm cua cũng là loài thấp sinh.
Tùy vào điều kiện gia đình và văn hóa tập quán vùng miền mà gia chủ sẽ chuẩn bị lễ vật cúng Thần Tài Thổ Địa sao cho phù hợp. Trong mâm cúng, bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt ba chỉ luộc (hoặc 1 miếng heo quay), 1 hoặc 3 cái trứng gà, 3 con tôm hoặc 1 con cua đều được. Bộ tam sên được xem là lễ vật tiêu chuẩn, hầu như mâm cúng Thần Tài nào cũng có, các vật phẩm khác có thể điều chỉnh theo điều kiện của gia đình. Cần tránh mâm lễ cúng quá sơ sài hoặc quá phô trương lãng phí là được.
→Thông tin nên biết: Cúng Thần Tài Ông Địa nên chọn loại trái cây nào?
Bộ tam sên thường cúng Thần Tài vào dịp nào?
Như vậy, với thắc mắc bộ tam sên cúng Thần Tài gồm những gì, hẳn bạn đã xác định được câu trả lời phù hợp. Bộ tam sên là một trong những lễ vật tiêu chuẩn, không thể thiếu trong mâm cúng Thần Tài Thổ Địa. Tuy nhiên, không phải dịp nào cũng cúng bàn thờ Thần Tài bộ tam sên. Bộ tam sên thường chỉ được sử dụng vào những dịp đặc biệt. Vào những ngày thường, ngày đưa ông Công ông Táo, chúng ta sẽ không cúng bộ tam sên mà sử dụng lễ vật khác.
Bộ tam sên cúng Thần Tài thường được sử dụng trong các trường hợp như:
- Mâm cúng thỉnh Thần Tài Thổ Địa mới
- Mâm cúng thay bát hương, thay bàn thờ hoặc thay tượng Thần Tài Thổ Địa cũ
- Mâm cúng Thần Tài Thổ Địa vào những ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, rằm tháng tám
- Mâm cúng Thần Tài Thổ Địa vào ngày Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Đán…
- Mâm cúng Thần Tài Thổ Địa ngày vía Thần Tài 10/1 âm lịch hàng năm…
Nhìn chung, bộ Tam Sên chủ yếu có mặt trong mâm cúng Thần Tài Thổ Địa khi lập bàn thờ, thỉnh Thần Tài Thổ Địa mới và dịp ngày vía Thần Tài 10/1 âm lịch hàng năm. Những dịp khác như ngày rằm tháng giêng, rằm tháng tám, tết đoan ngọ, trong mâm cúng có thể có bộ tam sên cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Lễ vật trong mâm cúng sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với phong tục, văn hóa vùng miền và điều kiện của gia chủ. Chúng ta chỉ cần chú ý chuẩn bị mâm cúng sao cho chỉn chu, trang trọng, thể hiện được lòng thành của gia chủ. Ngoài ra, bộ tam sên còn là lễ vật thường có trong mâm cúng khai trương, cúng động thổ, nhập trạch, tạ đất đai, cúng tam tai, giải hạn, cúng thôi nôi, đầy tháng…
Bộ tam sên sau khi cúng Thần Tài xong nên làm gì?
Lễ vật sau khi cúng Thần Tài Thổ Địa xong nên xử lý thế nào là thắc mắc chung của nhiều người. Theo các chuyên gia phong thủy, sau khi hoàn thành lễ cúng, khi nhang đã cháy hết, gia chủ hoàn toàn có thể hạ lễ và thụ lộc. Đồ cúng có thể sử dụng được như heo quay, cá lóc, bộ tam sên, trái cây, bánh kẹo… đều có thể ăn được. Hơn nữa, lễ vật sau khi cúng Thần Tài nên ăn là tốt nhất, tuyệt đối không nên lãng phí.
Bên cạnh đó, một số quan niệm cho rằng, đối với lễ vật cúng Thần Tài, sau khi cúng xong, gia chủ nên chia cho người thân trong gia đình sử dụng hết. Cần tránh chia đồ cúng cho người ngoài, điều này sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến may mắn, tài vận của gia chủ. Việc chia bánh trái, lễ vật sau khi cúng được cho là sẽ làm chia nhỏ tài lộc, may mắn của bạn và gia đình.
Đối với gạo và muối, sau khi cúng xong cần cất lại để gia đình dùng cho có lộc, không nên rải ra ngoài. Rượu và nước cúng thì cần đứng ngoài cửa tưới vào nhà, hành động này mang ý nghĩa đem lộc vào nhà, giúp cho việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán của gia đình được thuận lợi, suôn sẻ, phát tài phát lộc. Khi muốn hạ lễ, cần đợi nhang cháy hết hoàn toàn rồi mới khấn xin hạ lễ, không hạ lễ ngay khi nhang còn đang cháy dở.
Một số lưu ý khi thờ Thần Tài Thổ Địa bạn nên biết
Ngoài việc nắm được bộ tam sên cúng Thần Tài gồm những gì, trong quá trình thờ cúng, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Lễ vật, mâm cúng có ý nghĩa rất quan trọng trên bàn thờ Thần Tài Thổ Địa. Tuy nhiên, không phải chuẩn bị càng nhiều, càng xa hoa sẽ càng tốt. Mâm cúng Thần Tài nên đơn giản, đúng lễ nghi, tránh chuẩn bị quá nhiều để không gây lãng phí.
- Điều quan trọng nhất trong thờ cúng Thần Tài Thổ Địa chính là sự thành tâm. Không chỉ ngày lễ mà ngày thường, chúng ta nên thường xuyên lau chùi, dọn dẹp bàn thờ, siêng thắp hương/nhang và có niềm tin vào việc thờ cúng.
- Đồ cúng Thần Tài chỉ nên chia cho người trong nhà, người ta quan niệm rằng, nếu chia cho người ngoài sẽ dễ gây hao tài tổn lộc, khiến công việc không được thuận lợi như ý.
- Tuyệt đối không dùng hoa, trái cây giả trên bàn thờ Thần Tài Thổ Địa, cần phải cúng hoa thật, trái cây thật, nên chọn hoa cúng Thần Tài phù hợp để thể hiện được thành ý, tấm lòng của gia chủ.
Trên đây là một số thông tin giúp giải đáp thắc mắc bộ tam sên cúng Thần Tài bao gồm những gì và ý nghĩa của bộ tam sên. Thờ cúng Thần Tài Thổ Địa là một trong những nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Hiểu được ý nghĩa của các vật phẩm thờ sẽ giúp chúng ta chuẩn bị lễ vật sao cho đúng và phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Thờ Thần Tài có cần bài vị? Ý nghĩa chữ Hán trên bài vị Thần Tài
- Ngày vía Thần Tài mùng 10 nên cúng gì? Giờ nào tốt nhất?