BVR&MT - Những năm qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, Bắc Trung Bộ thành khu vực có diện tích rừng lớn, chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ, phát triển rừng trong khu vực còn nhiều vướng mắc cần sớm giải quyết để rừng thật sự là “vàng”.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, các địa phương trong vùng huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, nghề rừng ở nhiều nơi đã có sự khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Bảo vệ, phát triển vốn rừng
Là xã ở gần huyện lỵ Bố Trạch (Quảng Bình), không có diện tích đất thuận lợi để trồng rừng, thế nhưng xã Nam Trạch lại có khu rừng tự nhiên được bảo vệ, giữ gìn tươi tốt bên cạnh khu dân cư. Theo những người cao tuổi ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, không chỉ là rừng có từ hàng trăm năm trước mà khu rừng ở Đông Thành từng là nơi che chở cho trận địa pháo, hầm hào, kho súng đạn của bộ đội vào những năm 1965-1968.
Các cơ quan hành chính của tỉnh Quảng Bình trong những năm chiến tranh cũng sơ tán về khu rừng này làm việc. Rừng ở thôn Đông Thành hiện có diện tích 4,2ha, luôn rợp mát bóng cây, nhiều nhất ở đây là cây huỵnh, cao 25-30m, thân thẳng tắp. Rồi nhiều loại gỗ khác như phao lái, bài lài, trám… mọc ken dày cả khu rừng, chim muông kéo nhau về làm tổ.
Để giữ rừng, thôn Đông Thành cử một người trông coi, bảo vệ với số tiền khá ít ỏi nhưng không vì thế mà hằng ngày “người gác rừng” Võ Văn Giới lại xao nhãng công việc của mình.
Ông Giới chia sẻ: “Khu rừng đâu chỉ mình tôi mà cả làng bảo vệ, nếu không có ý thức tự giác của bà con thì rất khó giữ rừng. Rừng giữa làng, thành tài sản chung, tôi chỉ thay bà con trông coi, lui tới thường xuyên hơn mà thôi. Người dân nơi đây tâm niệm giữ rừng là giữ “lá phổi xanh” của làng và làm cho làng quê dịu mát giữa những ngày hè nóng như rang và che chắn gió qua các trận giông bão hằng năm”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, giai đoạn 2017-2022, tỉnh Quảng Bình trồng được gần 49.000ha rừng. Hằng năm, tỉnh cung cấp ra thị trường hơn 500.000m3 gỗ rừng trồng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân.
Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao để nâng giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng.
Kết quả bước đầu đã giúp địa phương từng bước hình thành chuỗi kinh tế lâm nghiệp hiệu quả từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Đồng, tỉnh là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững FSC gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả hai đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 18.300ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Không chỉ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ mà Nghệ An còn là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với hơn 1,16 triệu héc-ta, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Những năm qua, Nghệ An đã quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nhờ đó trữ lượng và chất lượng rừng được nâng lên. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,3%, tăng 1,2% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 13. Từ chưa có diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì sau 5 năm, Nghệ An đã có hơn 20.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị kinh tế và ổn định đầu ra cho sản phẩm từ rừng.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp các địa phương Bắc Trung Bộ đã có bước phát triển khá, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Diện tích rừng trồng tăng nhanh cùng với đó là diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng cao nhất so với các vùng trên cả nước (57,4%), tăng 0,9% so với trước khi có Chỉ thị 13. Điều quan trọng là ý thức trách nhiệm về trồng, bảo vệ rừng của người dân và cả hệ thống chính trị tăng lên rõ rệt.
Để rừng thật sự là “vàng”
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Bắc Trung Bộ còn những hạn chế, khó khăn. Đó là, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nghèo, sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng, thiếu đất sản xuất, nên vẫn còn tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất.
Thứ hai là chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng còn thấp, trong khi công việc vất vả, nhiều áp lực làm cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách ở các địa phương bỏ việc nhiều, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Tại các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, việc tuyển dụng nhân viên bảo vệ rừng gặp khó do thiếu ứng viên. Thứ ba, hiệu quả hoạt động của các công ty lâm công nghiệp ở các tỉnh chưa cao, trong khi quản lý diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, gây nên sự lãng phí về tài nguyên.
Thứ tư, năng suất rừng trồng trong khu vực có sự cải thiện nhưng chưa cao, giá trị rừng trồng còn bấp bênh; đóng góp của ngành lâm nghiệp vào GRDP của các địa phương chưa tương xứng với tiềm năng về rừng và đất lâm nghiệp hiện có. Thứ năm, việc hình thành chuỗi giá trị lâm nghiệp chưa thật sự rõ, gỗ xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều.
Tại hội nghị sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư vừa được tổ chức ở Quảng Bình, đại diện lãnh đạo sáu tỉnh trong khu vực thống nhất đề nghị: Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và bảo vệ môi trường hiện nay, Đảng và Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo động lực, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trong thời gian tới.
Trong đó, các địa phương đề nghị Trung ương nghiên cứu cho phép việc cải tạo rừng nghèo kiệt là rừng tự nhiên đối với diện tích rừng không thể phục hồi về giá trị kinh tế, tính đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Nhà nước cần có cơ chế hưởng lợi cho người dân được giao rừng tại những vùng không được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Mặt khác, rừng trồng gỗ lớn cho chu kỳ sinh trưởng dài, gặp rủi ro cao do miền trung thường xuyên gió bão, do vậy cần có chính sách bảo hiểm phù hợp với nghề rừng để giúp người dân yên tâm đầu tư cho trồng và chế biến gỗ rừng trồng. Công tác bảo vệ rừng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và đối mặt với nhiều rủi ro, do vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp về tiền lương, chế độ phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ rừng, vì trên cùng địa bàn công tác, các lực lượng khác có chế độ cao hơn so với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, công tác bảo vệ rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt, nâng độ che phủ rừng cao nhất so với các vùng trên cả nước. Đặc biệt, Bắc Trung Bộ là khu vực đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho triển khai thí điểm chuyển nhượng tín chỉ các-bon theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022.
Nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của nước ta tại COP26 về biến đổi khí hậu thì bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp hiệu quả gắn với phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả đời sống cho người dân.
Để rừng thật sự là “vàng” và rừng phải đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân khu vực có rừng, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương có nhiều diện tích rừng phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, Trung ương sẽ bàn và thống nhất ban hành hoàn thiện thể chế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, số dân hơn 11,09 triệu người, diện tích hơn 51.400km2, chiếm 15,5% diện tích cả nước, trong đó có hơn 3,1 triệu héc-ta đất có rừng, chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước, là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh của đất nước.