Ngọc Huyền
BPO - “Một mình người vợ hoặc người chồng cũng không thể tạo dựng được tình, nghĩa mà phải xuất phát từ cả hai phía. Thông thường cái tình sinh ra tất cả mọi thứ. Chính cái tình, cái nghĩa song hành mới tạo nên đời sống hôn nhân viên mãn”. Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) khi trao đổi về chủ đề chữ tình, chữ nghĩa trong mối quan hệ hôn nhân.
Chữ tình, chữ nghĩa trong đời sống hiện đại
Theo Tiến sĩ Lý Thị Mai, dân tộc Việt Nam đặc biệt trọng tình, điều đó được tổng kết qua câu nói “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Tình với nghĩa luôn song hành với nhau, tình càng nặng thì nghĩa càng sâu.
Quan hệ hôn nhân thường khởi đầu từ một chữ tình, đó là tình yêu, là cảm xúc đặc biệt giữa hai người, tự nguyện đến với nhau. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, gia đình, xã hội, pháp luật cho phép họ đến với nhau để xây dựng một tổ ấm hợp pháp. Chữ tình được hình thành từ khi son trẻ cho đến lúc “răng long đầu bạc”.
Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai (áo đỏ) trao đổi cùng phóng viên BPTV
Về chữ nghĩa, Tiến sĩ Lý Thị Mai lý giải, nghĩa là một “phương tiện”, một “công cụ” để che chắn giông bão cuộc đời tấn công vào tổ ấm. Tại sao có trường hợp người bạn đời bị bệnh ngặt nghèo, không có khả năng tự chăm sóc bản thân nhưng người kia vẫn quyết tâm gắn bó đời vợ chồng với họ? Đó là vì họ có cái nghĩa. Chính cái tình, cái nghĩa mà họ chấp nhận nhau, hy sinh cho nhau và thấy hạnh phúc về điều đó.
Chữ nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng được hình thành dần theo thời gian. Hai người phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, có đôi khi người bạn đời chết đi sống lại hoặc gặp những trục trặc đến nỗi cảm giác không thể nào nhìn mặt nhau nữa, nhưng rồi cuối cùng cả hai đã ở lại với nhau vì nghĩa. Một mình người vợ hoặc người chồng không thể tạo dựng được tình, nghĩa mà phải xuất phát từ cả hai phía. Chính cái tình, cái nghĩa song hành mới tạo nên một đời sống hôn nhân viên mãn.
Có nên duy trì hôn nhân khi đã hết tình?
Tại sao có những cuộc hôn nhân bền chặt nhưng cũng có cuộc hôn nhân sớm tan vỡ, tức là chỉ có phần đầu, chỉ có chữ tình? Khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt, người ta thường phân vân có nên chấm dứt mối quan hệ này không, vì đã hết tình chỉ còn nghĩa? Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này ngoại trừ người trong cuộc. Mỗi người sẽ tự đặt lên bàn cân đo, đong đếm, rằng nếu hết tình còn nghĩa thì liệu mình có khả năng làm tròn chức trách của vợ hoặc chồng?
Thực tế hiện nay, có những cặp vợ chồng sống rất hay, họ ly hôn và chưa có ai lập gia đình cả. Họ vẫn giữ nghĩa như bạn bè với nhau. Họ sống với nhau rất văn minh vì con, đó là văn hóa ứng xử sau ly hôn. Bầu không khí gia đình vốn dĩ phải êm đềm, trong trẻo. Nếu vợ chồng suốt ngày mâu thuẫn thì khổ cho con cái, chính vì thế, họ dừng lại hôn nhân để con không phải chứng kiến những cuộc tranh cãi nặng nề giữa cha mẹ. Cũng có trường hợp vợ chồng không ly hôn mà chỉ ly thân, nghĩa là họ vẫn sống cùng nhau, làm tròn phận sự với con nhưng không có quan hệ chăn gối, đó là vì chữ nghĩa.
Trọn nghĩa, vẹn tình sẽ tạo dựng nên gia đình hạnh phúc
Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai cho rằng, một khi chữ tình đã mất, chữ nghĩa không đủ “độ dày” thì sẽ trở thành sự chịu đựng lẫn nhau. Không ai khuyến khích, cũng chẳng ai muốn ly hôn, nhưng một khi hết tình, cạn nghĩa thì chúng ta khó giữ được sự tôn trọng nhau, khi đó ly hôn chính là sự giải thoát. Điều này pháp luật nước ta đã có quy định rõ ràng về chế độ ly hôn. Hạnh phúc thì kết hôn, hôn nhân không đem lại hạnh phúc thì ly hôn là điều phù hợp. Luật pháp cũng bảo vệ quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Hãy ngồi lại với nhau và nếu con cái ở độ tuổi hiểu biết thì nên bàn bạc cả với con, nói cho con hiểu rằng cha mẹ không hòa hợp, càng sống với nhau sẽ càng khiến các con buồn lòng. Nên cha mẹ sẽ dừng lại là bạn bè, như thế sẽ giúp các con không phải tiếp tục sống trong bầu không khí gia đình căng thẳng, buồn phiền. Đó là cách ứng xử văn minh nhất.
Bắt đầu bằng những cung bậc chạm tới trái tim
Làm thế nào để bồi đắp tình, nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng? Theo chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai nên bắt đầu từ những cung bậc chạm tới trái tim mình!
Một người chồng tốt, yêu thương vợ con, sống rất tình nghĩa nhưng gặp một người vợ không xây dựng, không hợp tác thì cũng không tạo nên tình, nghĩa và ngược lại. “Một bàn tay vỗ không nên tiếng”, tình yêu cần sự cộng hưởng của hai người, đó là sự công bằng trong đời sống hôn nhân. Với các cặp vợ chồng trẻ cưới nhau khi chữ tình dồi dào, năng lượng tích cực tràn trề, vậy thì hãy biến chữ tình đó thành cái nghĩa tốt đẹp để hiểu, đồng cảm và cùng nhau đi đến hết cuộc đời.
Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ LÝ THỊ MAI
Hạnh phúc gia đình được gây dựng từ những điều rất nhỏ và bình dị. Thông thường, ai giúp mình thì mình đều cảm ơn; một khi lỡ làm mất lòng ai đó, mình đều xin lỗi chân thành và tìm cách khắc phục. Nhưng đôi khi, chúng ta lại đánh rơi cái lễ đó với người bạn đời của mình. Chúng ta không cảm ơn, không xin lỗi, không trân trọng những gì bạn đời làm cho mình mà mặc nhiên xem đó là điều tất nhiên.
Vì thế, đã là vợ chồng thì hãy dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, bắt đầu từ những việc rất đỗi bình dị như: chào nhau một tiếng khi đi làm hay về đến nhà; hỏi han sức khỏe; quan tâm bữa ăn, giấc ngủ của nhau; ứng xử với nhau chân thành; làm những điều hai vợ chồng cùng thích… Những việc tuy nhỏ nhưng sẽ khiến đối phương nhớ và cảm thấy mình luôn hiện diện trong trái tim của người bạn đời. Cứ nhẹ nhàng như thế, cái tình càng trở nên sâu sắc, cái nghĩa càng trở nên vững bền và mối quan hệ vợ chồng ngày càng keo sơn.
Mặt khác, khi có mâu thuẫn nhỏ phát sinh, vợ chồng nên ngồi lại với nhau, thẳng thắn trao đổi và tìm hướng giải quyết theo nguyên tắc ai đúng thì người kia phải sửa, đừng bao giờ nghĩ mình là số một, mình luôn đúng. Yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ thì tình, nghĩa vợ chồng sẽ luôn “Trăm năm tình viên mãn. Bạc đầu nghĩa phu thê”!