Nhiều năm qua, các tỉnh đã tiến hành liên kết cùng phát triển ngành “công nghiệp không khói” song vẫn chưa khắc phục những khó khăn, bất cập để vươn lên mạnh mẽ.
Tiềm năng và bất cập đan xen
Vùng Việt Bắc có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Pà Thẻn... Các dân tộc ở đây hiện còn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có của dân tộc mình, tạo nên sự đa dạng văn hóa được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc, chợ phiên...
Du khách trải nghiệm sinh hoạt thường ngày với đồng bào dân tộc Tày ở xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, vùng Việt Bắc còn sở hữu hệ thống di tích lịch sử cách mạng kể từ khi Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, mang giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục to lớn. Có thể kể đến những địa danh quen thuộc như: Khu ATK Tân Trào, Định Hóa, Chợ Đồn; các di tích lịch sử: Đông Khê, Thất Khê, Phai Khắt, Nà Ngần; cụm di tích Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới 1950; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai... Đây là điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch về nguồn, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch tâm linh...
Cùng với đó, khu vực Việt Bắc còn có lợi thế nổi trội khác là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, điều kiện địa hình, khí hậu và hệ sinh thái độc đáo, phong phú là “điểm cộng” để phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi và tiềm năng phong phú, du lịch Việt Bắc đang đối mặt với không ít khó khăn, bất cập. Đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn khiến việc di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác mất rất nhiều thời gian. Đơn cử như tuyến đường Cao Bằng-Hà Giang, mặc dù nhiều đoạn đường đã được đầu tư, nâng cấp nhưng du khách vẫn phải mất khoảng 7-8 tiếng đồng hồ để di chuyển. Đó là chưa kể việc thiếu các trạm dừng nghỉ an toàn, đạt yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Tại các địa phương, đa phần đều chưa có sân bay nội địa; hệ thống đường cao tốc liên tỉnh cũng chưa kết nối được toàn vùng để rút ngắn thời gian di chuyển, từ đó tạo sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.
Về hệ thống cơ sở lưu trú, trên địa bàn toàn vùng hầu hết là các cơ sở lưu trú nhỏ, thiếu những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút đối tượng khách chi tiêu cao, khách du lịch quốc tế. Yếu về chất lượng, lại không đáp ứng được về số lượng trong các mùa du lịch cao điểm như: Mùa hoa tam giác mạch, mùa lúa chín, mùa nước đổ... khiến không ít địa phương thường xuyên rơi vào cảnh “cháy” phòng, chụp giật, tranh giành khách... Ở phân khúc lưu trú homestay, dễ nhận thấy tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị, chất lượng cơ sở lưu trú không đạt chuẩn; trình độ, kỹ năng đón tiếp khách của người dân địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu và yếu. Tình trạng sản phẩm du lịch trùng lặp, na ná nhau khiến các địa phương đánh mất bản sắc riêng vốn có, “đi một tỉnh mà biết cả vùng”...
Tăng cường liên kết nội vùng để phát triển
Dù hơn 10 năm qua, các địa phương trong vùng Việt Bắc đã có sự liên kết, phối hợp xây dựng sản phẩm với nhau nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Phát biểu trong một hội nghị gần đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong việc liên kết phát triển du lịch vùng: “Các tỉnh thực hiện Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” nhưng chủ yếu ở các cấp quản lý nhà nước. Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh, để liên kết tạo sản phẩm thì vai trò của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Nhà nước chỉ giữ vai trò tạo lập cơ chế, chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Chỉ khi doanh nghiệp nhìn thấy lợi thế và tiềm năng, lợi nhuận trong liên kết, minh bạch và công khai gắn với lợi ích của cộng đồng địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân thì liên kết mới thành công”.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban sản phẩm và dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Những năm qua, công ty đã xây dựng và khai thác các sản phẩm liên kết du lịch vùng Việt Bắc, điển hình như: Huyền thoại sông Gâm, Sắc màu Đông Bắc; Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Hà Giang-Cao Bằng-Lạng Sơn; Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên... đã mang lại hiệu quả khá rõ rệt”. Từ các chương trình này, để khai thác hiệu quả sản phẩm liên kết du lịch vùng Việt Bắc, bà Uyên đề xuất các địa phương cần tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm sản phẩm mới, đặc biệt là dịch vụ về đêm để gia tăng giá trị trải nghiệm và níu chân khách lưu trú lâu hơn.
Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương trong vùng phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi. Các địa phương quản lý khai thác tài nguyên du lịch có tính chất tương đồng, huy động nguồn lực hỗ trợ trong việc phát triển chung các sản phẩm du lịch đặc thù đã được định hướng, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ phát triển du lịch. Các địa phương cũng cần khuyến khích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung đầu tư theo định hướng sản phẩm liên kết đã xác định, phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp trong khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mới và cùng địa phương trong xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.
Bài và ảnh: MỘC LAM