Với vị trí địa lý nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ, lượng mưa và nguồn nước dưới lòng đất. Theo số liệu từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT), Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh; 173 sông suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm đạt khoảng 844,4 tỷ m3; trong đó tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 310-315 tỷ m3/năm, chủ yếu thuộc các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Vũ Gia - Thu Bồn.
Ngoài hệ thống sông, để đáp ứng yêu cầu tích trữ, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước, thủy điện, chống lũ lụt, Việt Nam còn có các hồ chứa nước. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cả nước có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. Trong đó, khoảng 2.100 hồ đang vận hành (tổng dung tích hơn 34 tỷ m3) khoảng 240 hồ đang xây dựng (tổng dung tích hơn 28 tỷ m3), trên 510 hồ đã có quy hoạch (tổng dung tích gần 4 tỷ m3). Trong số các hồ nêu trên, có khoảng 800 hồ thủy điện, tổng dung tích trên 56 tỷ m3 (gồm 59 hồ đang vận hành, 231 hồ đang xây dựng và hơn 500 hồ đã có quy hoạch xây dựng) và hơn 2.100 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích hơn 9 tỷ m3, phần lớn là hồ chứa nhỏ, đã xây dựng xong, đang vận hành.
Việt Nam cũng có lợi thế bổ sung nguồn nước, khi nằm trong số các quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới với lượng mưa trung bình năm khoảng 1940-1960mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3/ năm). Tuy nhiên, lượng mưa của Việt Nam phân bố rất không đều theo không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong 4-5 tháng mùa mưa (chiếm 75-85% tổng lượng mưa năm), lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15-25%. Phía Đông Trường Sơn thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ được ghi nhận là những khu vực có lượng mưa lớn trên cả nước. Nguồn nước dưới lòng đất của Việt Nam cũng có trữ lượng tiềm năng khá lớn, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam ước tính vào khoảng 91,5 tỷ m3/năm, trong đó, nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm, còn nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm.
Với trữ lượng nước hiện nay, tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 m3/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh, Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước do tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm và mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm.
Điều đáng lo ngại là nguồn nước của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt cả về mức độ và quy mô, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của quốc gia. Các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam có thể kể đến sự gia tăng dân số kéo theo lượng rác thải gia tăng với khối lượng lớn phục vụ sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm nguồn nước như: Rác thải sinh hoạt, rác thải y tế. Ô nhiễm do các điều kiện tự nhiên, do quá trình sản xuất công nghiệp phát thải, sản xuất nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật) và do quá trình đô thị hóa.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn nước ở nông thôn Việt Nam đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, khi ngoài sự tác động của nguồn nước thải từ các nhà máy ở lưu vực các con sông, còn có nguồn gây ô nhiễm từ hơn 10 triệu tấn phân bón dùng cho ngành nông nghiệp. Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phân bón bị rửa trôi mang theo dư lượng thuốc khá cao. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi cũng góp phần không nhỏ vào hệ lụy này, mỗi năm Việt Nam có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải được thải vào môi trường, trong đó có đến 80% không qua xử lý. Không chỉ ô nhiễm nước mặt, các nguồn nước ngầm của Việt nam cũng bị ô nhiễm nặng. Tại một số vùng nông thôn, nguồn nước ngầm bị nhiễm vi sinh đã vượt ngưỡng cho phép. Theo báo cáo tại một số địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định… nước ngầm đã có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ (N03-, NH4+), kim loại nặng (Fe, As) và đặc biệt ô nhiễm vi sinh (Coliform, E.Coli). Đây là mối đe dọa không chỉ đến hoạt động sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Bởi khu vực này, người dân không chỉ sử dụng nước ngầm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày. Những thiệt hại về môi trường còn kéo theo thiệt hại về kinh tế, GDP ngành nông nghiệp được dự đoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức sụt giảm khoảng 3,5% vào năm 2035. Đây chỉ là ước tính rất thận trọng của các nhà khoa học vì chỉ mới xét cho những tỉnh bị ô nhiễm nhất ở khu vực hạ lưu, còn trên thực tế cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, ước tính rơi vào khoảng 6% GDP vào năm 2035.
Ngoài ra, nguồn nước ngoại lai chiếm trên 60% tổng tài nguyên nước mặt, đặc biệt là ở 2 lưu vực sông lớn nhất Việt Nam là sông Cửu Long và sông Hồng, nguồn nước ngoại lai chiếm lần lượt 90% và 50% tổng khối lượng nước bề mặt. Trước khi chảy vào Việt Nam cung cấp nước cho sông Cửu Long, sông Mê Kông đã chảy qua 6 quốc gia là: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong khi đó, theo phân bố dòng chảy lưu vực của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Việt Nam chỉ chiếm 9% diện tích lưu vực và 11% tỷ lệ dòng chảy đóng góp, trong khi các đập tại Trung Quốc đang trữ tới 56% lượng nước, sau đó là Lào với 32,7% lượng nước và dự kiến sẽ còn tăng thêm khi các nước thượng nguồn đang tiếp tục xây dựng các nhà máy thủy điện. Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, Việt Nam không thể chủ động trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước này, nhất là khi các quốc gia thượng nguồn ngày càng khai thác triệt để nguồn nước để sản xuất điện. Khi các đập thủy điện ở thượng nguồn làm cho dòng chảy yếu đi thì không đủ sức vận chuyển phù sa và cát về Đồng bằng sông Cửu Long nữa, đồng nghĩa với việc sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có thể khắc phục được. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, xâm nhập mặn rừng đầu nguồn bị suy giảm cũng gây ra những tác động không hề nhỏ tới nguồn nước.