Ung thư lưỡi ngày nay là một căn bệnh không quá xa lạ trong cộng đồng. Tuy nhiên thời điểm phát hiện ung thư lưỡi thường là khi bệnh đã tiến triển nặng. Việc phát hiện ung thư lưỡi từ sớm sẽ giúp tối ưu kết quả điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân. Để biết thêm về ung thư lưỡi giai đoạn đầu, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu là gì?
Ung thư lưỡi là một căn bệnh ung thư xảy ra ở vùng đầu - cổ. Tình trạng ung thư xảy ra là do hoạt động phân chia quá mức và không kiểm soát của tế bào. Triệu chứng có thể nhận biết được là sự xuất hiện của một đốm/khối u nhu lên trên lưỡi của người bệnh mà không biến mất.
Ung thư lưỡi có thể phát triển ở cả 2 phần:1
- Miệng lưỡi: khu vực ⅔ phía trước lưỡi. Nếu ung thư phát triển ở phần này thì sẽ thuộc nhóm ung thư miệng.
- Gốc lưỡi: ⅓ sau của lưỡi. Nếu ung thư phát triển ở phần này thì sẽ tiến triển thành ung thư vòm họng.
Đối với ung thư lưỡi giai đoạn đầu, khối u thường có kích thước nhỏ hơn 4 cm.2
Ở giai đoạn đầu có thể xuất hiện một số triệu chứng. Tuy nhiên vì dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường nên chúng thường hay bị bỏ qua. Một số tình trạng có thể kể đến như:3
- Cảm giác có dị vật mắc ở lưỡi gây cảm giác khó chịu, nhưng trôi qua nhanh.
- Xuất hiện đốt nổi phồng lên ở lưỡi.
- Lưỡi có sự thay đổi niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc có vết loét nhỏ.
- Những tổn thương có cấu trúc chắc, rắn không như bình thường.
- Xuất hiện hạch ở cổ.
Nguyên nhân ung thư lưỡi
Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến căn bệnh ung thư lưỡi:1 3
- Thuốc lá: qua các thống kê đã có thể chứng minh rằng khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi ở những người hút thuốc lá cao hơn rất nhiều so với những người không hút thuốc lá.
- Rượu bia: một nghiên cứu đã cho thấy 70 - 80% bệnh nhân bị ung thư miệng, lưỡi đều là những người thường xuyên dùng rượu bia. Lý do là vì rượu làm kích thích các gen gây ung thư và các căn bệnh ác tính khác.
- Tiếp xúc tia xạ: đối với những người hay tiếp xúc với tia xạ, khả năng mắc bệnh ung thư sẽ cao hơn người thường.
- Nhiễm HPV: đây là một loại virus phổ biến gây nên nhiều căn bệnh cho người. Virus HPV có thể gây nên những thay đổi ở vùng nhiễm và tăng nguy cơ mắc ung thư cho người nhiễm.
- Tiền sử gia đình (gen di truyền), tình trạng viêm quanh răng hay vệ sinh răng miệng kém cũng là thủ phạm gây nên căn bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Như đã đề cập ở trên, những dấu hiệu thông thường là những đặc điểm bất thường về màu sắc, cấu trúc của lưỡi. Ở giai đoạn này, khối u nhú chỉ dưới 4 cm và có thể quan sát trực diện.2 Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, những triệu chứng thường bị phớt lờ, gây nên những hạn chế trong việc tầm soát và phát hiện bệnh từ sớm.
Nếu gặp phải những tình trạng sau đây, đừng chần chừ mà hãy đến ngay trung tâm y tế uy tín để có thể được tầm soát và loại bỏ mọi nghi ngờ:2
- Những mảng đỏ hoặc trắng tồn tại lâu mà không biến mất trên lưỡi.
- Đau họng không thuyên giảm.
- Xuất hiện vết loét hoặc cục u nhú trên lưỡi không biến mất.
- Cảm giác tê trong miệng không thuyên giảm.
- Đau hoặc nóng rát ở lưỡi.
- Khó khi dùng lưỡi để ăn hoặc phát âm.
- Xuất hiện khối u ở cổ.
- Chảy máu lưỡi không rõ nguyên nhân.
- Đau tai (tình trạng hiếm gặp).
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu có chữa khỏi được không?
Sự thành công khi điều trị ung thư lưỡi phụ thuộc rất nhiều vào rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm giai đoạn ung thư. Theo American Cancer Society (Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ), phần lớn tất cả những người được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn đầu đều có thể được điều trị khỏi.4
Với bệnh nhân mắc bệnh ung thư lưỡi, tỷ lệ kéo dài cuộc sống hơn 5 năm từ khi phát hiện bệnh dựa vào tình trạng được trình bày như sau:5
- 84% trước khi ung thư lây lan.
- 70% nếu đã lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
- 41% nếu đã lan đến các vùng khác của cơ thế.
Từ đó có thể thấy, việc phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm rất có ý nghĩa trong điều trị cho bệnh nhân.
Chẩn đoán ung thư lưỡi như thế nào?
Dưới đây là một số hình thức có thể giúp chuyên gia y tế xác định bạn có bị ung thư lưỡi hay không:1
1. Sinh thiết
Sinh thiết là quá trình lấy một lượng nhỏ mô từ vùng nghi ngờ để tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi. Từ đó các tế bào ung thư sẽ được xác định và có thể phát hiện của sự tồn tại của virus HPV, nếu có.
Bạn có thể được sinh thiết khi gây mê toàn thân. Trong quá trình này, kỹ thuật viên còn có thể dùng một ống và kính nội soi để quan sát cổ họng của bạn.
2. Nội soi mũi
Quá trình nội soi qua đường mũi cũng có thể được diễn ra. Trong thao tác này, bác sĩ sẽ xem xét các khu vực nghi ngờ như:
- Trong miệng của bạn.
- Phần sau lưỡi và cổ họng.
- Thanh quản.
Quá trình này có thể sẽ gây khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, thuốc gây tê dạng xịt có thể được dùng để làm tê cổ họng trước. Nếu trong quá trình nội soi phát hiện bất thường, đội ngũ y tế sẽ tiến hành sinh thiết tại ví trí đó ở một thời điểm khác.
3. Một số kiểm tra khác có thể được dùng
- Xét nghiệm tế bào học hạch cổ.
- Chụp X - quang xương hàm dưới.
- Chụp X - quang tim - phổi.
- Chụp CT lồng ngực.
- Chụp MRI sọ não.
- Xạ hình xương
- Quét PET - CT để đánh giá tình trạng di căn.
- Xét nghiệm công thức máu.
- Khám sức khỏe răng miệng.
- Quét siêu âm.
Điều trị ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Đối với ung thư miệng (⅔ trước lưỡi)2
Phương pháp tiên quyết và phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau phẫu thuật, bạn có thể được đề nghị tiến hành xạ trị để hạn chế sự tái phát của căn bệnh này. Đây được gọi là phương pháp xạ trị bổ trợ.
Một số người mắc ung thư lưỡi giai đoạn đầu có thể được xạ trị trước. Nguyên nhân là do đối tượng chưa đạt đủ điều kiện sức khỏe để được phẫu thuật.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ cả các hạch bạch huyết ở cổ. Điều này sẽ được tiến hành nếu khối u đã lan đến các hạch bạch huyết.
Đối với ung thư vòm họng (⅓ sau lưỡi)2
Bạn sẽ được chỉ định tiến hành một trong 2 hướng điều trị sau:
- Phẫu thuật để loại bỏ khối u và một số hạch bạch huyết ở cổ.
- Xạ trị cho cổ họng và cổ.
Bạn có thể được đề nghị xạ trị hoặc hóa trị sau phẫu thuật. Điều này được tiến hành khi bác sĩ nhận thấy nguy cơ cao ung thư sẽ tái phát. Hóa xạ trị có nghĩa là bạn sẽ được hóa trị và xạ trị cùng một lúc.
Giải thích phương pháp điều trị ung thư lưỡi
1. Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khối u và một vùng mô khỏe mạnh xung quanh nó. Điều này để đảm bảo rằng đã loại bỏ hết toàn bộ ung thư.
Bạn sẽ chỉ cần một ca phẫu thuật đơn giản nếu khối u rất nhỏ. Quá trình này có thể được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ hoặc phẫu thuật bằng tia laser. Trong trường hợp này, bạn sẽ không cần phải ở lại qua đêm tại bệnh viện.
Trong trường hợp khối u lớn hơn, bạn sẽ cần tốn nhiều thời gian hơn cho một ca phẫu thuật phức tạp hơn. Kích thước của khối u sẽ quyết định độ rộng mô cần loại bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành tái tạo lại lưỡi của bạn khi đã loại bỏ hoàn toàn khối u.
Phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của bạn trong một khoảng thời gian. Ngoài ra nó còn có thể ảnh hưởng đến giọng nói của bạn.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng sóng năng lượng cao như tia X để tiêu hủy tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được sử dụng trong các trường hợp như:
- Xạ trị đơn độc như một phương pháp điều trị chính hoặc dùng sau phẫu thuật.
- Kết hợp với hóa trị như phương pháp điều trị chính hoặc dùng sau phẫu thuật.
- Làm giảm các biến chứng của ung thư lưỡi tiến triển.
Phương pháp này sẽ được tiến hành mỗi ngày một lần. Chỉ định có thể kéo dài trong vài tuần tùy thuộc vào tình trạng của bạn.
Quá trình xạ trị có thể gây nên một số phản ứng phụ như: đau, khô miệng, thay đổi vị giác.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp nội khoa, sử dụng thuốc chống ung thư (với cơ chế gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hóa trị có thể được chỉ định trong các trường hợp như:
- Sau phẫu thuật nếu có nguy cơ tái phát cao.
- Khối u đã lan sang các mô lân cận hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Một số trường hợp, hóa trị sẽ được chỉ định để thu nhỏ khối u. Điều này nhằm chuẩn bị cho phương pháp điều trị chính. Tuy nhiên đây vẫn còn là một phương pháp mới.
Loại thuốc thường được sử dụng để hóa trị là cisplatin hoặc fluorouracil. Một số trường hợp sẽ thay cisplatin bằng carboplatin.2
Khi hóa trị, một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải là:
- Cơ thể suy nhược.
- Khả năng chống lại tác nhân gây nhiễm kém đi (dễ bị nhiễm trùng).
Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào từng loại thuốc và đáp ứng của cơ thể bạn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về căn bệnh ung thư lưỡi giai đoạn đầu. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp cho bạn có những thông tin cần thiết để có thể tăng hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị.