Hiện tượng không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ vị thành niên, tiền mãn kinh,... Nguyên nhân có thể xuất phát từ sự không ổn định về nội tiết tố, buồng trứng hoặc có thể do tổn thương tại vùng hạ đồi và tuyến yên. Nhiều chị em vẫn không xác định được dấu hiệu trứng không rụng là gì, cùng tìm hiểu ngay nhé.
Hiện tượng không rụng trứng và nguyên nhân
Hiện tượng không rụng trứng xảy ra khi trứng không được giải phóng khỏi buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể tăng khả năng hiếm muộn hoặc vô sinh.
Câu hỏi thường gặp là liệu có kinh nguyệt khi không rụng trứng? Phần lớn phụ nữ cho rằng việc không rụng trứng đồng nghĩa với việc không có chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, thực tế là ngay cả khi không rụng trứng, bạn vẫn có kinh nguyệt và có các triệu chứng chảy máu giống như kinh nguyệt. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu trứng không rụng trong chu kỳ kinh nguyệt là vô cùng quan trọng.
Nhìn chung, nguyên nhân chính gây ra tình trạng không rụng trứng thường xuất phát từ sự mất cân bằng của một hoặc nhiều hormone liên quan đến quá trình rụng trứng, bao gồm hormone GnRH, FSH và LH tiết ra từ vùng hạ đồi và tuyến yên ở trong não. Các nguyên nhân thường gây ra mất cân bằng hormone này bao gồm:
- Dậy thì;
- Tiền mãn kinh;
- Béo phì;
- Căng thẳng;
- Sụt cân đột ngột;
- Ăn kiêng khắt khe hoặc tập thể dục ở cường độ cao;
- Các vấn đề tuyến yên hoặc tuyến giáp;
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS);
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Dấu hiệu trứng không rụng
Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn và cơ thể xuất hiện những biến đổi như đau bụng dưới, căng tức ngực, tăng thân nhiệt hoặc các triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt như đầy hơi, chuột rút, thay đổi tâm trạng,... thì đây là những dấu hiệu cho thấy chu kỳ của bạn đã rụng trứng.
Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết dấu hiệu trứng không rụng thông qua một số dấu hiệu sau đây:
- Kinh nguyệt không đều: Nếu chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên kéo dài trên 35 ngày hoặc rút ngắn hơn 21 ngày và không thể dự đoán trước thì được coi là kinh nguyệt không đều. Hơn nữa, nếu bạn thường xuyên trễ kinh trên 2 tuần, đây cũng có thể là một biểu hiện của không rụng trứng.
- Kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc quá ít: Khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày và có lượng máu ra nhiều (ước tính trên 80 ml) hoặc ngược lại, khi chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn và có lượng máu ra ít (dưới 20 ml), đây cũng có thể là biểu hiện bất thường và bạn cần phải thăm khám phụ khoa.
- Vô kinh: Mất kinh trong một hoặc nhiều chu kỳ thường là một biểu hiện điển hình của không rụng trứng mà các chị em phụ nữ cần lưu ý.
- Thân nhiệt không ổn định: Quá trình rụng trứng thường đi kèm với sự gia tăng thân nhiệt. Bạn có thể theo dõi sự biến đổi này thông qua biểu đồ nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn không có dấu hiệu rụng trứng thì thân nhiệt của bạn sẽ duy trì ổn định trong suốt chu kỳ.
- Không tiết dịch âm đạo: Trong giai đoạn trước và trong quá trình rụng trứng, âm đạo thường tiết dịch có dạng giống lòng trắng trứng gà. Do đó, nếu gần đến kỳ kinh nguyệt mà bạn không thấy xuất hiện chất nhầy này, đó có thể là dấu hiệu cho thấy không có sự rụng trứng.
Phương pháp điều trị không rụng trứng
Không rụng trứng sẽ khiến việc thụ thai trở nên khó khăn. Điều này là một thách thức quan trọng đối với phụ nữ muốn thành lập gia đình và có con. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này? Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng:
Thay đổi lối sống
Nếu nguyên nhân không rụng trứng xuất phát từ tình trạng sức khỏe của phụ nữ hoặc do lối sống không khoa học gây ra, có thể áp dụng phương pháp điều chỉnh lối sống để khắc phục. Điều này bao gồm việc cải thiện chế độ ăn uống bằng cách cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc thực hiện quá trình giảm cân một cách hợp lý. Ngoài ra, thay đổi thói quen vận động và thể thao để duy trì một lối sống cân đối, điều này có thể kích thích tăng trưởng các hormone quan trọng trong cơ thể và cân bằng chức năng sinh lý.
Điều trị bằng thuốc
Với những dấu hiệu trứng không rụng, chị em nên tới gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Dựa trên kết quả khám và xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị bằng thuốc.
Nếu sau quá trình điều trị dựa trên nguyên nhân gây không rụng trứng mà vẫn không thể có thai, các cặp vợ chồng gặp vấn đề hiếm muộn có thể xem xét các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
Các dấu hiệu trứng không rụng có thể xảy ra ở phụ nữ ở mọi độ tuổi trong thời kỳ sinh sản. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình để nhận biết sớm bất thường và tìm đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra và chăm sóc sức khỏe. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, việc tư vấn và điều trị y tế sẽ cần thiết, kèm theo các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Xem thêm:
- Quan hệ ngày đèn đỏ có cần uống thuốc tránh thai không? Cần lưu ý những gì?
- Có kinh uống nước đá được không? Cách giảm đau bụng khi tới tháng