Nhiều bà bầu hay đói đêm và thường có xu hướng ăn thêm bữa vào buổi tối. Tuy nhiên, liệu thói quen ăn khuya có lợi ích hay tác hại đối với sức khỏe của cả mẹ và bé không? Câu trả lời cho câu hỏi tại sao bà bầu hay đói đêm sẽ giải đáp trong các thông tin được cung cấp trong bài viết.
Bà bầu hay đói đêm
1. Tại sao bà bầu hay đói đêm?
1.1. Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao hơn
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao do cả em bé và cơ thể người mẹ đều cần lượng calo lớn hơn. Sự tăng kích thước của tử cung và thể tích máu cũng làm cho mẹ bầu cần cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể của mình.
1.2. Sự thay đổi nội tiết tố
Sự biến động của hormone estrogen và progesterone cũng góp phần vào sự thay đổi về mức độ đói của các mẹ khi mang thai. Cụ thể, những biến động này có thể tăng cường cảm giác thèm ăn và gây ra việc tỉnh giấc vào ban đêm với cảm giác đói bụng.
1.3. Quá trình trao đổi chất tăng lên trong suốt thai kỳ
Trong thai kỳ, một sự biến đổi khác cũng xảy ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể người mẹ. Tốc độ trao đổi chất có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của em bé đang phát triển. Điều này có thể làm cho mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đói hơn.
Tốc độ trao đổi chất của mẹ bầu tăng lên để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của em bé
1.4. Mẹ bầu cần nhiều calo hơn bình thường
Nhu cầu ăn uống của mẹ bầu gia tăng so với trước khi mang thai là do sự biến đổi trong lượng calo cần thiết hàng ngày. Đối với phụ nữ mang thai, lượng calo khuyến nghị thường dao động từ 1.800 - 2.000 kcal mỗi ngày, tùy thuộc vào cân nặng và chỉ số BMI của mẹ bầu trước khi mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể cần thêm khoảng 200 calo nữa, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 (3 tháng giữa thai kỳ), tùy thuộc vào mức độ hoạt động và số lượng thai nhi.
Tất cả các loại thực phẩm thai phụ mắc đái tháo đường có thể được ăn ở mức độ vừa phải, nhưng tốt nhất nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường cao như bánh quy, kẹo và nước ngọt. Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate đơn giản như ngũ cốc ăn sáng, gạo trắng, bột mì trắng và thực phẩm chế biến hoặc đồ ăn nhẹ cũng là thủ phạm lớn làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn.
2. Có nên cho bà bầu ăn đêm không?
2.1. Gây khó ngủ
Trong thời kỳ mang thai, việc thay đổi nội tiết tố và khó chịu về cơ thể khiến mẹ bầu gặp khó khăn trong việc ngủ ngon giấc. Đối với những người đã thiếu ngủ ban ngày, giấc ngủ ban đêm trở nên quan trọng để giúp họ khôi phục năng lượng. Tuy nhiên, ăn khuya có thể tạo áp lực lên dạ dày, gây khó chịu khi đi vào giấc ngủ. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và có thể gây ra các vấn đề như sảy thai, sinh non. Để giảm tình trạng này, việc ăn nhẹ trước 21 giờ có thể giúp thức ăn tiêu hóa hoàn toàn trước khi đi ngủ.
2.2. Tăng cân không kiểm soát
Thói quen ăn khuya là nguyên nhân chính khiến tăng cân không kiểm soát và gây béo phì, đặc biệt ảnh hưởng đến mẹ bầu. Ban đêm, khi cơ quan nghỉ ngơi, việc tiêu hóa chậm dẫn đến tích trữ mỡ trong cơ thể mẹ bầu dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng. Mặc dù tăng cân khi mang thai là điều không thể tránh khỏi, nhưng cơ thể quá béo có thể gây khó khăn trong việc giảm cân sau sinh, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của bà bầu. Thói quen ăn khuya cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ khi cho bé bú.
Thói quen ăn khuya là nguyên nhân chính khiến tăng cân không kiểm soát ở mẹ bầu
2.3. Thức ăn dung nạp không vào bé
Mặc dù nhiều mẹ bầu tin rằng việc ăn khuya sẽ tăng cường dinh dưỡng cho thai nhi, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Trong những tháng cuối thai kỳ, hơn 80% phụ nữ tăng cân đáng kể, nhưng lại có đến 90% thai nhi không tăng cân. Dinh dưỡng từ việc ăn khuya chủ yếu được hấp thụ bởi cơ thể mẹ, gây lãng phí và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả hai.
Qua những phân tích trên đây, chúng ta đã tìm được đáp án cho câu hỏi “Bà bầu ăn đêm có tốt không?” thì việc cho bà bầu ăn khuya không được khuyến khích bởi những tác hại đến cơ thể mẹ và sức khỏe thai nhi. Để khắc phục tình trạng đói đêm và thèm ăn khuya, các mẹ nên tham khảo một số biện pháp khắc phục được Vinamilk giới thiệu tiếp sau đây.
3. Cách khắc phục tình trạng hay đói đêm ở bà bầu
3.1 Chia nhỏ các bữa ăn
Chia nhỏ bữa ăn giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm áp lực lên dạ dày trong thời gian mang thai. Thay vì ăn quá no vào bữa chính, bà bầu có thể bổ sung thêm thức ăn vào 3 bữa phụ xen kẽ, giúp tránh tình trạng "bụng rỗng" lúc nửa đêm.
3.2. Ăn nhẹ trước 21 giờ
Nhiều bà bầu thường nghĩ rằng chỉ khi cảm thấy đói bụng thì mới nên ăn, nhưng đây là quan điểm không đúng. Có thể đến tận khuya bạn mới cảm nhận được sự đói, tuy nhiên, việc ăn vào buổi đêm lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Do đó, bà bầu nên ăn một bữa nhẹ trước 21 giờ ngay cả khi chưa có cảm giác đói bụng.
Bà bầu nên ăn một bữa nhẹ trước 21 giờ ngay cả khi chưa có cảm giác đói bụng
3.3. Đi bộ sau khi ăn
Sau khi ăn tối xong, mẹ bầu nên dành khoảng 30 phút đi dạo nhẹ nhàng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời kích thích sự lưu thông máu, nâng cao chức năng trao đổi chất. Việc tạo thói quen đi bộ vào buổi tối không chỉ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn giảm thiểu cảm giác thèm ăn.
Theo BS. Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Nếu bà mẹ tăng khoảng 18 kg trong thời kỳ mang thai là một mối nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con”. BS. Hà cảnh báo nếu mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh khó hoặc phải sinh mổ vì con to, khó chẩn đoán tim thai vì mỡ ở thành bụng rất dày.
3.4. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào bữa tối
Việc bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào buổi tối giúp mẹ bầu cảm thấy no lâu hơn, đồng thời ngăn ngừa táo bón. Nếu mẹ thường đói vào nửa đêm có thể ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ, tuy nhiên nên chọn các loại thực phẩm phù hợp.
3.5. Chọn thực phẩm lành mạnh cho bữa phụ
Mặc dù không khuyến khích ăn khuya, nhưng nếu cảm thấy đói quá, mẹ bầu cần ăn nhẹ lành mạnh như trái cây tươi, phô mai, trứng luộc chín, sữa tươi không đường để bổ sung năng lượng và hỗ trợ giấc ngủ. Đặc biệt, khi mẹ đói, thai nhi cũng đói, nên lựa chọn thực phẩm ăn vặt lành mạnh để cung cấp dưỡng chất cho sự phát triển của em bé. Trong trường hợp ăn uống kém vào ban ngày hoặc có các vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, mẹ bầu cần tuân thủ khuyến cáo và điều trị của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
3.6. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn như bánh, kẹo, ngũ cốc có đường có thể kích thích sự ăn uống quá mức thay vì giúp kiểm soát cơn đói. Do đó,mẹ bầu nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm gần với tự nhiên, giàu chất xơ để chậm chuyển hoá, duy trì lượng calo ổn định và kéo dài cảm giác no.
3.7. Bổ sung đủ nước
Uống nước không chỉ giúp kiểm soát cơn đói mà còn quan trọng cho sức khỏe của mẹ bầu. Để giảm nguy cơ tiểu đêm, các mẹ có thể hạn chế uống nước trước khi đi ngủ, nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo bổ sung đủ nước trong một ngày.
Uống nước không chỉ giúp kiểm soát cơn đói mà còn quan trọng cho sức khỏe của mẹ bầu
3.8. Tránh các thực phẩm khó tiêu hoặc gây ợ nóng
Dù là tỉnh giấc do chứng ợ nóng hay do đói bụng, cả hai đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt là khi mang thai. Để giải quyết vấn đề này, tránh thực phẩm gây ợ nóng như thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn vặt chiên rán là cách tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc tại sao bà bầu bị đói đêm. Hi vọng những thông tin này sẽ hỗ trợ các bà bầu điều chỉnh thói quen ăn uống vào buổi tối, mang lại lợi ích cho cả sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.