Quản trị kinh doanh là ngành học tổng hợp kiến thức về hai lĩnh vực: quản trị và kinh doanh.
Khi lựa chọn theo đuổi ngành này, bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức của rất nhiều ngành nghề như tài chính, kế toán, luật, marketing, logistics, nhân sự.
Để biết được ngành Quản trị kinh doanh có dễ xin việc làm không, chúng ta hãy cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây.
Cơ hội việc làm của ngành Quản trị kinh doanh
Khi tìm hiểu hoặc có dự định đăng ký xét tuyển vào ngành này, các bạn trẻ thường đặt ra câu hỏi: Học Quản trị kinh doanh có dễ xin việc không hoặc cơ hội việc làm ngành Quản trị kinh doanh như thế nào?
Với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều công ty doanh nghiệp được thành lập đã thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng ngành Quản trị kinh doanh tăng cao. Vì vậy, khi học Quản trị kinh doanh bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề việc làm.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được tiếp cận với nhiều môn chuyên ngành như: Nghệ thuật lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản trị tài chính - marketing,… và nhiều kỹ năng mềm khác để đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận một số vị trí việc làm như: Nhân viên phát triển thị trường, Nhân viên bán hàng, Giám sát kinh doanh, Truyền thông Marketing, Chuyên viên xuất nhập khẩu, Chuyên viên Logistic.
Theo bài viết trên website Đại học Thái Nguyên, mức lương ngành Quản trị kinh doanh dao động từ 4 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương trung bình được tính dựa vào kinh nghiệm làm việc thực tế và cấp bậc của nhân viên.
Đối với những người có kinh nghiệm dày dặn, làm việc trong doanh nghiệp lớn, mức lương nhận được rơi vào khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Một số trường đào tạo ngành Quản trị kinh doanh
Trường Đại học Thương mại - năm 2022, điểm chuẩn của ngành Quản trị kinh doanh lấy 26,35 điểm. Đến năm 2023, ngành này chia ra thành hai chuyên ngành để tuyển sinh. Trong đó, Quản trị kinh doanh lấy ngưỡng điểm chuẩn là 26,5 điểm; chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh lấy 26,3 điểm.
Mức học phí đối với chương trình đào tạo chuẩn năm học 2023 - 2024 dự kiến từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng. Học phí các chương trình chất lượng cao dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Mức học phí hằng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề.
Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh theo 2 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi THPT và xét tuyển kết hợp.
Năm 2022, điểm chuẩn ngành này lấy 27,45 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển có phần thấp hơn, khi lấy 27,25 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Trường Đại học Vinh tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh 300 chỉ tiêu đối với hệ đại trà và hệ chất lượng cao. Năm 2023, điểm chuẩn của ngành này lấy 19 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07. Học phí trung bình áp dụng cho năm học 2023 - 2024 là 12,9 triệu đồng/sinh viên.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) sử dụng 4 tổ hợp môn để xét tuyển ngành ngành Quản trị kinh doanh A00; A01; D01; D90 với ngưỡng điểm chuẩn là 24,75 điểm. Năm 2022, ngưỡng điểm chuẩn của ngành lấy cao hơn 0,25 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cũng có thể đăng ký tuyển vào trường bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và xét theo kết quả thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường Đại học Tài chính - Marketing hiện đang đào tạo 3 chuyên ngành Quản trị kinh doanh: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị bán hàng và Quản trị dự án với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D96.
Năm nay, ngành Quản trị kinh doanh lấy 24,6 điểm đối với chương trình thường, chương trình tích hợp lấy 23,4 điểm và 23,3 điểm chương trình tiếng Anh toàn phần .