Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Đăng Đại - Bác sĩ thẩm mỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Mọi vết thương đều phải đặt yếu tố thẩm mỹ quan trọng song song với việc phục hồi giải phẫu và chất lượng khâu. Yếu tố thẩm mỹ ở đây không chỉ bao hàm đường kim mũi chỉ bên ngoài có để lại sẹo hay không mà còn là sự chính xác khi thực hiện các can thiệp phục hồi giải phẫu bên trong để vết thương phục hồi tốt nhất.
1. Vết thương nào có thể khâu thẩm mỹ?
Khâu vết thương có tác dụng đóng miệng vết thương sát lại với nhau, để đẩy nhanh quá trình liền da, ngăn chặn sự nhiễm trùng đối với vết thương lớn và hở rộng. Ngày nay với trình độ y học ngày càng phát triển, ngoài việc đánh giá và xử lý vết thương đảm bảo tính mạng cho người bệnh, các bác sĩ còn chú trọng tới tính thẩm mỹ sau khi vết thương lành.
Một số quan điểm từng cho rằng vết khâu muốn đẹp thì vết thương phải được làm sạch và khâu sớm trước 6h. Nếu vết thương phức tạp và đến muộn thì cần được cắt lọc, để thoáng hoặc khâu thưa. Tuy nhiên chính việc này đã khiến nhiều vết thương không được xử lý đúng và thường dẫn tới sẹo xấu, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến diện bạo của người bệnh sau khi hồi phục mà còn ảnh hưởng đến các chức năng của cơ quan giác quan.
Đặc biệt các vết thương hay vết mổ vùng hàm mặt do được tưới máu nuôi dưỡng tốt nên các vết thương nếu xử lý đúng thì liền thương rất nhanh, kể cả các vết thương nhiễm trùng hoặc đến muộn. Chính vì vậy vết thương cần đặc biệt chú ý tới yếu tố thẩm mỹ khi điều trị.
2. Phương pháp khâu thẩm mỹ trong y khoa
Điểm mấu chốt của một vết khâu thẩm mỹ là đánh giá đúng tính chất vết thương, vết mổ, điều chỉnh hướng sẹo để giảm thiểu sức căng lên bề mặt, phục hồi vết thương theo đúng giải phẫu và lựa chọn chỉ khâu cũng như đường khâu phù hợp.
Chỉ tự tiêu được chỉ định trong một số trường hợp: Vết rách niêm mạc miệng, vết khâu vùng kín, hay vết thương ở trẻ em khó hợp tác để cắt chỉ,... Các Phẫu thuật viên kinh nghiệm vẫn lựa chọn chỉ không tiêu, đường khâu nội bì để không có sẹo chân chỉ sau khi lành thương.
Các vết thương hay vết mổ chi thể nếu được xử lý thẩm mỹ, cũng góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cảm giác đau, phục hồi chức năng tốt hơn. Các bác sĩ ngoại khoa, không nhất thiết là bác sĩ thẩm mỹ vẫn sẽ là người thực hành việc khâu một vết thương, đóng một vết mổ sao cho đẹp dựa trên việc đánh giá vết thương, lựa chọn chỉ khâu, cũng như hiểu biết đầy đủ về giải phẫu và cơ chế liền thương.
3. Chăm sóc vết khâu thẩm mỹ, đề phòng biến chứng xấu gây sẹo
Chăm sóc sau mổ đóng vai trò vô cùng quan trọng với chất lượng của một vết khâu thẩm mỹ. Thông thường sau khi được xử lý vết thương bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể đối với việc chăm sóc người bệnh. Để đề phòng biến chứng xấu do sẹo gây ra bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Thực hiện việc vệ sinh, thay băng vết thương, uống thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ điều trị, tránh để vết thương đã khâu bị dính ướt trong 24 giờ đầu sau khi phẫu thuật.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều protein như: Trứng, sữa, thịt, các loại hạt họ đậu, ngũ cốc... Vì Protein tổng hợp thành các chất cần thiết sản sinh ra mô, cơ làm lành vết thương.
- Ngoài ra người bệnh còn cần bổ sung thêm nhiều các thực phẩm khác như vitamin B12, vitamin C và các chất khoáng như kẽm, selen có nhiều trong các trái cây họ cam, các loại rau có màu xanh sẫm, các loại hạt đậu... Các vi khoáng này này có tác dụng thúc đẩy sự tổng hợp của Protein thành các tài liệu cần thiết để làm lành vết thương.
- Vết khâu sạch, cầm máu tốt thì sau 3-6h đã có sự kết dính sinh học giữa hai mép tổn thương, có thể bắt đầu dùng kem trị sẹo giữ ẩm, kháng viêm, thúc đẩy tăng sinh cơ mô làm lành da. Việc bôi kem trị sẹo sớm giúp giảm đến 80% hiện tượng sẹo xấu trên da.
- Quá trình liền vết thương có diễn biến từ 9- 12 tháng. Trong quá trình vết thương hồi phục người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học; các tác động cơ học như gãi, cọ sát, day, ấn vào sẹo có thể gây chấn thương thứ phát và kích thích tạo tăng sinh mô xơ làm cho nếp sẹo dày lên và sẫm màu. Ánh nắng gắt có thể gây tổn thương sắc tố cho sẹo và vùng da lân cận.
- Nên thăm khám lại định kỳ để bác sĩ có thể đánh giá những dấu hiệu bất thường trong quá trình liền sẹo, đảm bảo vết thương, vết mổ đạt yêu cầu thẩm mỹ cao nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.