Đốt cuốn mũi là một thủ thuật giúp làm giảm tình trạng phì đại niêm mạc cuốn mũi quá mức lâu ngày dẫn đến nghẹt mũi. Phương pháp này dễ thực hiện, hiệu quả nhanh chóng, có thể thực hiện nhiều lần.
Đốt cuốn mũi là gì?
Cuốn mũi là những xương có hình dạng cong dài, hẹp nhô vào khoang mũi, được bao phủ bởi niêm mạc mũi. Mỗi khoang mũi có ba cuốn mũi: cuốn trên, cuốn giữa, cuốn dưới; có chức năng: làm ẩm, ấm, lọc không khí khi thở, miễn dịch. Bình thường niêm mạc cuốn mũi tham gia chu kỳ cuốn mũi.
Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi phát triển quá mức làm hẹp khoang mũi, hạn chế luồng thông khí, dẫn đến nghẹt mũi.
Nguyên nhân gây phì đại cuốn mũi là do phản ứng viêm kéo dài ở niêm mạc cuốn mũi dưới thường gặp do dị ứng, viêm xoang, lạnh, chất kích thích trong môi trường như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí…, vẹo vách ngăn gây phì đại cuốn mũi một bên do bù trừ.
Đốt cuốn mũi là một phẫu thuật làm giảm tình trạng phì đại niêm mạc cuốn mũi quá mức lâu ngày dẫn đến nghẹt mũi, dễ thực hiện, hiệu quả nhanh chóng, có thể thực hiện nhiều lần.
Tại sao phải đốt cuốn mũi?
Tình trạng nghẹt mũi kéo dài do phì đại niêm mạc cuốn mũi, dẫn đến bệnh lý khác: viêm xoang, ngủ ngáy, viêm họng, viêm amidan… do đó giải quyết tình trạng phì đại cuốn mũi bằng đốt cuốn mũi giúp bệnh nhân thở tốt hơn, giảm tình trạng viêm mũi họng hơn.
Có nên đốt cuốn mũi không? Khi nào cần đốt cuốn mũi?
Không phải trường hợp phì đại cuốn mũi nào cũng cần đốt cuốn mũi. Nếu cuốn mũi phì đại nhẹ, không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc uống thông thường để làm giảm tình trạng viêm hoặc nghẹt mũi. Lưu ý quan trọng là người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc giảm liều lượng thuốc bởi sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Nếu thấy tình trạng nghẹt mũi kéo dài, không cải thiện có thể đốt cuốn mũi.
Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định
1. Chỉ định đốt cuốn mũi:
- Nghẹt mũi do phì đại niêm mạc cuốn mũi;
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi quá mức do nguyên nhân hoặc có liên quan đến phì đại cuốn mũi;
- Có biến chứng ngưng thở khi ngủ từ việc tắc nghẽn mũi kéo dài và khó đeo mặt nạ CPAP mũi;
- Phì đại cuốn mũi và có tình trạng ứ đọng chất nhầy sau phẫu thuật nâng mũi, sửa mũi, nội soi mũi xoang hoặc chỉnh hình vách ngăn;
- Viêm mũi mạn điều trị nội khoa không hiệu quả.
2. Chống chỉ định đốt cuốn mũi:
- Bệnh về máu như rối loạn đông máu, chảy máu;
- Nhiễm trùng mũi họng cấp tính;
- Các bệnh về tim mạch, nội khoa khác chưa kiểm soát được.
Phương pháp đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần
Phương pháp đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần có thể thực hiện dưới sự hỗ trợ của 3 phương tiện. (1)
1. Đốt cuốn mũi bằng plasma
Dao mổ plasma là một loại dao nhiệt mới, có khả năng cắt mô đồng thời với cầm máu. Ưu điểm của loại dao này là ít gây mất máu do thời gian cầm máu nhanh chóng.
2. Đốt cuốn mũi bằng coblator
Phẫu thuật đốt cuốn mũi có hỗ trợ coblator là một phương pháp hiệu quả và an toàn để kiểm soát tắc nghẽn mũi. Coblator làm co mô dưới niêm mạc, bảo tồn niêm mạc và cấu trúc tuyến, giúp giảm tình trạng tắc nghẹt mũi, ít tác dụng phụ.
3. Đốt cuốn mũi bằng laser
Phương pháp này sử dụng tia laser để đốt cuốn mũi. Ngày nay, đốt cuốn mũi bằng laser ít được ưu tiên do kém hiệu quả hơn so với coblator và plasma.
Quy trình đốt cuốn mũi như thế nào?
Quy trình này thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật tai mũi họng. Thời gian phẫu thuật thường diễn ra khoảng 15-20 phút, nhưng có thể lâu hơn.
1. Trước phẫu thuật
Trong những ngày trước khi phẫu thuật, người bệnh cần:
- Ngưng các loại thuốc aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve, Naprosyn), clopidogrel (Plavix), warfarin (Coumadin) và bất kỳ loại thuốc nào khác có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Bạn nên hỏi bác sĩ về loại thuốc nào có thể vẫn được dùng vào ngày phẫu thuật.
Vào ngày phẫu thuật, người bệnh cần:
- Không uống hoặc ăn bất cứ thứ gì sau nửa đêm vào đêm trước khi phẫu thuật.
- Chỉ uống các loại thuốc được bác sĩ chỉ định với một ngụm nước nhỏ.
- Ghi nhớ thời gian cần có mặt ở bệnh viện theo lịch hẹn của bác sĩ.
2. Trong phẫu thuật
- Gây mê vô cảm: Người bệnh được gây mê toàn thân tại phòng mổ. - Chuẩn bị tư thế:
Người bệnh nằm ngửa, đầu cao hơn (15-20o) so với ngực. Máy Coblator và dụng cụ phẫu thuật đặt ở bên trái người bệnh. Phẫu thuật viên đứng bên phải của người bệnh, monitor đối diện với phẫu thuật viên.
- Phẫu thuật
+ Thì 1: Đầu tiên bác sĩ tiến hành đặt thuốc co mạch tại chỗ. + Thì 2:
- Dùng optic nội soi 00 kiểm tra toàn bộ hốc mũi và cuốn dưới 2 bên.
- Đánh giá tình trạng niêm mạc hốc mũi, cuốn mũi, khe mũi, vách ngăn, vòm.
- Đốt điện cao tần cuốn mũi dưới bằng đầu dò chuyên dụng của máy Coblator. Dùng đầu điện cực đi dưới niêm mạc cuốn mũi dưới. Mỗi vạch khấc trên đầu điện cực được đốt khoảng 8-10 giây (thường thì đầu đốt có 6 vạch khấc), đốt dọc theo thân cuốn dưới từ sau ra trước. Lặp lại thủ thuật tương tự ở mũi bên cạnh.
- Kiểm tra lại hốc mũi 2 bên.
- Đặt merocel (bấc) vào hốc mũi để chống dính và cầm máu mũi.
3. Hướng dẫn chăm sóc sau đốt cuốn mũi
Sau thủ thuật, người bệnh cần lưu ý:
- Xịt mũi nước muối nhẹ nhàng, tránh xì mũi mạnh.
- Tránh các kích thích tác động vào mũi như quạt gió, điều hòa thổi thẳng vào mũi, tránh môi trường khói bụi;
- Tránh vận động mạnh, chơi thể thao, làm nặng;
- Không dùng tay ngoáy mũi, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Các thắc mắc thường gặp khi đốt cuốn mũi
1. Đốt cuốn mũi bao lâu thì lành?
Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và đau vùng mũi, mặt trong 2-3 ngày. Tình trạng nghẹt cũng sẽ kéo dài cho đến khi vết thương lành hoàn toàn. Nhưng đôi khi, nghẹt mũi có thể kéo dài trong một vài tuần.
Người bệnh có thể đi làm hoặc đi học trở lại, sinh hoạt bình thường sau một tuần nhưng thông thường phải mất đến 1-2 tháng vết thương mới bình phục hoàn toàn. (2)
2. Đốt cuốn mũi có tái phát không?
Các triệu chứng nghẹt mũi có thể quay trở lại một hoặc vài năm sau phẫu thuật đốt cuốn mũi do tình trạng viêm mũi tái đi tái lại làm phù nề niêm mạc cuốn mũi.
3. Đốt cuốn mũi có đau không?
Đốt cuốn mũi bằng năng lượng của sóng cao tần, để phá vỡ liên kết trong tổ chức mô làm tổ chức mô tự phân hủy ở nhiệt độ tương đối thấp (40-70 độ C), ít gây tổn thương các mô lành xung quanh. Bệnh nhân cảm giác ít đau sau mổ, có thể chỉ cảm thấy châm chích nhẹ trong mũi kèm nghẹt mũi.
4. Chi phí đốt cuốn mũi?
Tùy vào từng bệnh viện và phương pháp đốt cuốn mũi mà có giá điều trị khác nhau. Để biết chi tiết, người bệnh nên đến trực tiếp nơi mà bạn có kế hoạch thực hiện phẫu thuật để được tư vấn và báo giá cụ thể.
5. Thực hiện đốt cuốn mũi ở đâu tốt?
Những nơi tốt nhất để thực hiện đốt cuốn mũi nói riêng và các bệnh mũi xoang nói chung là những nơi đảm bảo được các tiêu chí sau:
- Có bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, chuyên khoa Gây Mê, Hồi Sức, Cấp cứu giàu kinh nghiệm;
- Có trang thiết bị, máy móc hiện đại;
- Có quy trình khám, chữa bệnh khép kín, không cần phải mời bác sĩ từ bên ngoài về hoặc phải chuyển bệnh nhân đi viện khác…
BVĐK Tâm Anh TP.HCM mang đến các dịch vụ khám, điều trị bệnh lý tai mũi họng cho trẻ em và người lớn. Bệnh viện được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như:
Máy nội soi XION của Đức: Là loại máy tiên tiến hàng đầu hiện nay trong chẩn đoán các bệnh lý về tai mũi họng. Máy có chức năng hiển thị tương phản, đặc biệt là sự tăng sinh mạch máu, cấu trúc của khối u, từ đó phát hiện sớm nguy cơ u ác tính và định hướng sinh thiết khối u. Bác sĩ có thể dựa vào đó để chỉ định tầm soát ung thư hốc mũi.
Hệ thống nội soi KARL STORZ của Đức và hệ thống máy bào mô Medtronic của Mỹ: Đây là thiết bị được ứng dụng trong phẫu thuật nội soi mũi xoang, với ưu điểm bóc tách vi phẫu tinh tế, ít xâm lấn, hạn chế chảy máu, nguy cơ biến chứng. Sau phẫu thuật bệnh nhân mau phục hồi, xuất viện sớm.
Hệ thống COBLATOR của hãng Smith Nephew (Mỹ), dao mổ PLASMA của hãng Medtronic (Mỹ: Ứng dụng trong phẫu thuật điều trị mũi xoang như đốt cuốn mũi. Ưu điểm của các công nghệ thiết bị này là xâm lấn tối thiểu, giảm chảy máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như biến chứng sau mổ. Bệnh nhân phục hồi nhanh, mau xuất viện.
6. Đốt cuốn mũi có rủi ro không?
Đốt cuốn mũi được thực hiện an toàn, nguy cơ biến chứng thấp. Ưu điểm khi sử dụng phương pháp này là:
- Thời gian phẫu thuật nhanh;
- Ít gây xâm lấn;
- Coblation co mô dưới niêm mạc, bảo tồn niêm mạc và cấu trúc tuyến, giúp giảm tình trạng tắc nghẹt mũi;
- Ít gây tổn thương nhiệt sau khi bay hơi mô;
- Tác dụng phụ tối thiểu.
Các rủi ro có thể xảy ra khi đốt cuốn mũi như:
- Chảy máu;
- Nhiễm trùng;
- Sẹo dính.
- Để giảm thiểu rủi ro, người bệnh nên chọn cơ sở uy tín và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trước, trong và sau thủ thuật.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị bệnh lý cuốn mũi tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Dị ứng hoặc các bệnh lý khác về mũi có thể khiến cuốn mũi phì đại lên và hạn chế luồng không khí. Phẫu thuật đốt cuốn mũi có thể được thực hiện để giúp đường thở thông thoáng và bệnh nhân thở tốt hơn. Sau đốt cuốn mũi, người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và sau đó, tiếp tục thăm khám mũi xoang hằng năm để phòng ngừa nguy cơ tái phát.