7 cách học tập hiệu quả để đạt điểm cao thời sinh viên
Không ít bạn trẻ thời THCS, THPT thì học hành rất giỏi, nhưng khi lên đại học, cao đẳng thì lại tụt dốc kinh khủng và phải lê lết từng ngày để được qua môn? Tại sao lại như vậy? Học Đại học, Cao đẳng khó vậy sao?
Nếu như học cấp 3, các bạn được hướng dẫn “tận răng” từ cách giải, cách trình bày, rồi được thúc giục làm bài,… chăm sóc kỹ lưỡng. Thì khi vào đại học, cao đẳng mọi thứ khác đi hoàn toàn. Thầy cô sẽ chỉ giảng bài rồi giao bài tập để bạn mày mò tìm hiểu, nếu không biết thì tự tìm kiếm trên sách báo hay trên mạng internet, hoặc sẽ liên hệ trực tiếp thầy cô để hỏi.
Và mọi thứ đều là tự giác, không có ai thúc giục hay ép buộc các bạn.
Có phải khi vừa vào năm nhất là bạn đã được nghe: “học đại học, cao đẳng dễ lắm”, “chỉ cần chăm chỉ lúc ôn thi”, “tuần trước thi sẽ quyết định điểm của bạn là giỏi hay yếu”… Và thời gian trôi qua, điểm của các bạn có xu hướng đi theo một chiều giảm dần phải không? Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sinh viên học rất giỏi, đạt được học bổng trường. Họ làm như thế nào vậy?
1. Xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu
Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… Nên có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nổ lực nữa. Khi học nên nghiêm túc, kiên trì.
Đặt mục tiêu rõ ràng cho mọi việc bạn làm
Có nhiều sinh viên coi việc học đại học, cao đẳng như một chuyến du lịch khám phá chứ không phải học để trang bị cho tương lai. Cũng có rất nhiều sinh viên đến lớp để điểm danh, hay chỉ đến để tán gẫu với bạn bè. Điều này không chỉ làm bạn phí phạm thời gian, kiến thức mà cả tiền bạc.
Hãy luôn nghỉ về số tiền mà bố mẹ bỏ ra cho chúng ta ăn học, tuy hơi thực tế nhưng nó sẽ là động lực để bạn cố gắng và không sao nhãn việc học.
2. Đi học đầy đủ
Bạn nên đi học đầy đủ nhất có thể, mặc dù đi học chuyên cần chỉ đóng góp 20% - 30% vào điểm số cuối kỳ của bạn. Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.
Đi học chuyên cần thì không phải sợ bỏ lỡ kiến thức quan trọng
Tất nhiên, sinh viên là bạn còn phải dành thời gian cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… Tuy nhiên, hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng nhé!
3. Ngồi bàn đầu tốt hơn bàn cuối
Có phải khi đến lớp bạn thường tránh ngồi bàn đầu ? Bạn cảm thấy ngại ngùng sợ bị giảng viên hỏi hay sợ bị gọi là “bon chen” ? Thực chất, chúng ta thường có xu hướng ngồi giữa hoặc ngồi cuối. Tuy nhiên, đây là một sai lầm sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.
Ngồi bàn đầu thì tốt hơn nhỉ?
Ngồi bàn cuối bạn sẽ không thể tập trung được, vì hầu hết những người chọn ngồi bàn cuối là để làm việc riêng. Ngồi cuối có thể bạn sẽ không nghe được giảng viên nói gì và thậm chí là không thể nhìn được bảng hay slide thuyết trình. Và còn rất nhiều lợi thế mà chỉ có ngồi bàn đầu bạn mới biết.
4. Tìm cho mình những người bạn
Hãy tìm cho mình những người bạn để mỗi khi cảm thấy lười biếng, thì chúng nó sẽ là động lực để bạn đi học. Đùa thôi! Học đại học, cao đẳng không phải cái gì bạn cũng biết, và bạn bè sẽ là người nói cho bạn những điều bạn chưa biết.
Họ sẽ kéo bạn đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ, tham gia những sự kiện thú vị, đi đến những buổi hội thảo, kỹ năng mềm… và vô số nơi để bạn được mở mang kiến thức và thăm thú. Hay đơn giản, chúng sẽ là người lôi bạn ra khỏi phòng vì những môn học khô khan, cứng nhắc hay những đống bài tập, tiểu luận chất như núi mà bạn chưa “rờ” tới.
Bạn bè sẽ là người học chung với bạn, chơi chung với bạn và phát triển cùng bạn. Hãy nhớ “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Bạn thời đại học, cao đẳng
5. Hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình
Nếu có cơ hội, bạn nên xung phong phát biểu và lên bảng làm bài tập. Mỗi lần như vậy, thầy cô sẽ đánh một dấu “+” vào tên bạn trong danh sách lớp. Mỗi dấu “+” bạn sẽ được cộng từ 0.25 đến 1 điểm vào bài thi giữa kỳ tùy vào mỗi môn học. Đó là những điểm vừa đáng quý lại còn dễ dàng lấy được.
Những điểm cộng này sẽ làm giảm bớt áp lực thi cử của bạn. Và lỡ không may bạn có sai sót trong bài thi, thì nó cũng sẽ kéo điểm của bạn lên một ít.
Không những vậy, mạnh dạn nêu lên ý kiến, quan điểm của mình sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, có thể hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.
6. Dành thời gian cho việc học tại nhà
Bạn nên dành thời gian tự học ở nhà một cách đều đặn. Lên đại học, cao đẳng việc học ở nhà không còn vất vả như thời cấp 3 nữa. Bạn sẽ không phải dành cả buổi tối hay thậm chí thức đêm làm bài tập.
Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành 20-30 phút cho mỗi môn học, chỉ để nắm bắt được những gì đã học ngày hôm trước và biết được sẽ học gì vào ngày hôm sau. Và bạn phải khiến nó trở thành một thói quen hằng ngày.
Tự học được là một lợi thế
Tuy rằng đến lớp sẽ chẳng có ai kiểm tra bài cũ bạn, nhưng việc tự học đều đặn sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn vì bạn biết bạn đang học cái gì và việc này rất hữu ích trong quá trình ôn thi của bạn.
7. Ôn luyện trước khi thi
Bạn cần ôn luyện tất cả những kiến thức mà giảng viên đã dạy trên lớp và kiến thức được yêu cầu học tại nhà, hãy tóm tắt ra để có thể nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn, đôi khi nó chỉ gói gọn vài tờ giấy A4.
Còn đối với những môn học như Triết, Đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam,… bắt buộc phải học thuộc lòng thì giảng viên sẽ cho bạn đề cương và giới hạn ôn tập. Bạn cũng sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần để ôn tập trước kỳ thi.
Hãy áp dụng những điều trên để việc học của bạn trở nên thoải mái và dễ dàng hơn, không làm bạn cảm thấy áp lực để còn dành thời gian cho những điều thú vị khác như: đi làm thêm nè, đi tình nguyện nè…