Trong thân kiến ba khoang có chứa độc tố pederine, chất này có độc tính rất mạnh, mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang. Khi tiếp xúc với độc, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng phỏng rộp, ngứa rát, viêm da. Vậy bị kiến ba khoang cắn nguyên nhân do đâu? Cùng theo dõi ở bài viết dưới đây.
Bị kiến ba khoang cắn là gì?
Bị kiến ba khoang cắn là tình trạng chất độc của kiến ba khoang tiếp xúc với làn da người thông qua hành động bị kiến cắn hoặc vô tình tác động khi kiến đang ở trên người. Chất pederine (C24H43O9N) trong cơ thể kiến sẽ tiếp xúc với da người có khả năng gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu (loài bọ gây phồng rộp da người và một số động vật khác để tự vệ). Chất này có độc tính mạnh, nhưng do lượng chất tiếp xúc nhỏ chỉ ở ngoài da nên không gây chết người như nọc rắn.
Nguyên nhân bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang thường tìm thấy trên ruộng đồng, trường học, ký túc xá, khu nhà trọ, nhà ở tập thể, chung cư cao tầng hoặc nơi có nhiều cây cối xung quanh. Khi ruộng xuất hiện sâu cuốn lá, rầy nâu, kiến ba khoang sẽ tìm đến chui vào tổ sâu và ăn thịt từng con. Kiến cũng thường xuất hiện ở khu chung cư cao tầng, nơi tập trung nhiều ánh đèn huỳnh quang để ăn các loại côn trùng trong nhà. (1)
Trong mùa mưa bão, lũ lụt, kiến sẽ di cư đến vùng khô ráo hơn. Sau khi kết thúc những ngày mưa lũ làm ngập ruộng đồng, ao hồ, vào ban đêm, kiến ba khoang sẽ theo ánh đèn bay vào nhà. nếu kiến ba khoang vào bể tắm, bồn tắm; bám vào khăn mặt, quần áo; rơi vào mặt, cổ, thân mình, nếu chúng ta không chú ý, giơ tay đập, quệt, chà sát chúng trên da sẽ gây ra tổn thương da, tạo ra mảng viêm đỏ, rộp mủ, tiết dịch, các tổn thương này có thể lan ra các vùng da xung quanh.
Ở Việt Nam, kiến ba khoang được phát hiện cách đây vài năm ở những khu chung cư cao tầng gần cánh đồng tại Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, TP.HCM…. Loài này thường xuất hiện vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa (mùa thu) với mật độ đông đúc hơn so với các tháng còn lại trong năm.
Dấu hiệu nhận biết tổn thương da do kiến ba khoang cắn
Vết thương do kiến ba khoang đốt sẽ có các đặc điểm như sau: (2)
- Tổn thương có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nơi có tiếp xúc với dịch tiết của kiến.
- Vết thương xuất hiện thành từng vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu chỉ là những nốt ban đỏ tấy, sau đó sưng lên thành mụn mủ và điểm lõm màu trắng vàng ở giữa.
- Nếu không giữ gìn cẩn thận, vô tình cọ xát hoặc gãi mạnh có thể làm loét và rỉ dịch.
- Vết thương thường đau rát, ngứa ngáy, một số trường hợp thậm chí bị sốt, nổi hạch, có biến chứng nhiễm trùng.
Đối tượng nào dễ bị tổn thương do kiến ba khoang
Những đối tượng sau có nguy cơ cao bị tổn thương da do kiến ba khoang cắn:
- Thường xuyên làm việc ngoài trời: khả năng tiếp xúc nhiều với môi trường sống của kiến ba khoang (ruộng đồng, vườn tược,…).
- Sống ở khu vực gần đồng ruộng, ẩm thấp: là nơi thuận lợi cho kiến ba khoang sinh sôi và phát triển.
- Làm việc dưới ánh đèn huỳnh quang vào ban đêm: vì kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng đèn huỳnh quang.
- Trẻ em: trẻ thường hiếu động, dễ vô tình chạm vào kiến ba khoang.
- Người sống ở chung cư cao tầng.
Bị kiến ba khoang cắn phải làm sao?
Khi bị dính dịch tiết của kiến ba khoang, bạn cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy liên tục để sạch dịch tiết, khi da bị tổn thương thì cần điều trị sớm để tránh tổn thương lan ra. Nếu được sơ cứu đúng cách thì những tổn thương sẽ dịu đi rất nhiều.
>Xem thêm: Cách xử lý vết thương khi bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang cắn có sao không?
Kiến ba khoang cắn có sao không? Mặc dù lượng độc tố truyền từ vết đốt sang da rất nhỏ nhưng vẫn đủ làm da ngứa rát, nổi mụn nước, mụn mủ, khi gãi sẽ làm vỡ và gây lở loét, dẫn tới viêm da.
Đặc biệt, khi người bệnh đập kiến trên da, pederin sẽ lan nhanh và khiến vùng da bị thương lan nhanh và rộng. Thêm nữa là độc tố này tiếp xúc với da sẽ dính chặt vào da, khó gột rửa, làm tăng mức độ tổn thương da.
Kiến ba khoang đốt không đe dọa đến tính mạng, thường chỉ gây tổn thương trên da. Thế nhưng, trên diện tích da lớn sẽ gây tổn thương da nặng, lan tỏa rộng ở vùng da mềm hoặc khi bị kiến đốt trúng vùng mắt, mi mắt có thể gây viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như phồng rộp da, nổi mụn nước sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ.
Biến chứng có thể gặp khi bị kiến ba khoang cắn
Viêm da có thể tương tự như tổn thương Zona. Khi dính độc tố, da sẽ bị viêm đỏ, sau đó bắt đầu nổi mụn mủ, mụn nước, phồng rộp trung tâm, đau rát nhiều. Nếu được điều trị sớm, vùng da này sẽ được cải thiện rõ sau khoảng 1 tuần. Nếu không đi khám hoặc điều trị muộn, tổn thương có thể lây lan các vùng da khác, để lại sẹo thâm nhiều tháng sau mới hết. Nếu bị dính vào mắt sẽ gây viêm kết mạc và sưng nề quanh mắt, thậm chí có trường hợp bị mù tạm thời.
Kiến ba khoang đốt có thể điều trị không?
Sau khi sơ cứu khi bị kiến ba khoang cắn thì cần đưa người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da ngay để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ phát triển biến chứng không mong muốn.
Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị zona hoặc giời leo, bôi thuốc màu, sử dụng lá cây hoặc các biện pháp dân gian khác sẽ dễ làm cho vết thương lở loét và lan rộng, thậm chí nhiễm trùng.
>Có thể bạn quan tâm: Gợi ý 3 loại thuốc bôi kiến ba khoang đốt theo từng đối tượng cụ thể
Cách điều trị vết cắn kiến ba khoang
Khi bị kiến ba khoang cắn, bạn cần rửa vùng da dính dịch tiết dưới vòi nước chảy liên tục đến khi sạch dịch tiết, sau đó rửa lại bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ cùng nước sạch để làm sạch độc tố, giúp giảm khó chịu trên da. Nếu tiếp xúc với vùng mắt, cần rửa lại nhiều lần bằng nước muối sinh lý 0.9%.
Tùy vị trí tiếp xúc, tình trạng và diện tích da tổn thương, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Đối với trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi. Những ca bệnh nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi tại chỗ. Trường hợp tổn thương trên da lan rộng, phù nề nhiều, xuất hiện những triệu chứng toàn thân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống.
Biện pháp phòng ngừa kiến ba khoang
Để phòng ngừa kiến ba khoang, nếu sống ở khu vực kiến ba khoang sinh sống, nên thay đèn huỳnh quang bằng bóng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang bị hấp dẫn bởi đèn huỳnh quang nên thường bay vào nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu, chăn màn. Tránh đứng dưới bóng đèn huỳnh quang nơi công cộng, lưu ý khi làm việc dưới ánh đèn. Có thể áp dụng các biện pháp sau để ngăn cản kiến ba khoang bay vào nhà:
- Sử dụng lưới cửa sổ và cửa ra vào, buông rèm cửa, hạn chế mở cửa nhiều.
- Ngủ trong màn.
- Vệ sinh phòng, phát quang bụi rậm, cây cỏ quanh nhà để tránh kiến ba khoang trú ẩn.
- Giũ kỹ khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.
- Khi làm việc trên đồng ruộng hoặc trong vườn cây (nhất là mùa mưa bão), cần trang bị phương tiện bảo hộ lao động như quần áo dài tay, đội mũ, mang khẩu trang, đi ủng.
>Xem thêm: Tham khảo 8 cách đuổi kiến ba khoang ở chung cư, khu vực sống triệt để hiệu quả
Câu hỏi liên quan
1. Bị kiến ba khoang cắn có ngứa không?
Có. Khi nọc kiến tiếp xúc với da sẽ làm da bị phồng rộp, ngứa rát khó chịu, căng da, kèm theo đỏ một vùng da.
2. Bị kiến ba khoang cắn bao lâu hết?
Nếu được điều trị kịp thời và đáp ứng với thuốc thì vết thương do kiến ba khoang cắn sẽ hồi phục sau từ 5- 7 ngày.
3. Bị kiến ba khoang cắn có để lại sẹo không?
Nếu không xử lý tốt vết thương, trì hoãn đi khám, độc tố của kiến ba khoang sẽ bị loét, nhiễm trùng da nặng, dễ để lại sẹo. Tổn thương da thường hết sau 1 tuần nếu được điều trị đúng cách, tuy nhiên sẽ để lại dát thẫm màu và sẽ mờ dần đi theo thời gian.
4. Bị kiến ba khoang cắn có lan ra không?
Nếu người bệnh gãi hoặc chà xát mạnh lên vùng da tổn thương khi bị kiến ba khoang đốt thì tổn thương sẽ có xu hướng lan rộng hơn, thậm chí lan khắp cơ thể.
5. Kiến ba khoang cắn có bị sốt không?
Sau 6-12 giờ khi bị kiến ba khoang cắn, tổn thương trên da sẽ nổi thành vệt cộm, sưng đỏ, nổi nhiều mụn nước to nhỏ không đều, nếu nặng hơn sẽ hình thành mụn mủ hoặc bọng mủ kèm theo loét và hoại tử da. Trường hợp tiến triển nặng, người bệnh có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với các tổn thương.
Do triệu chứng tương đối giống nên nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường nhầm lẫn chúng với zona. Zona do virus Varricella-zoster gây nên, đặc trưng bởi tình trạng từng mảng mụn nước nhỏ nổi trên nền dát đỏ ở một bên cơ thể, dọc theo đường dây thần kinh, đặc biệt thường kèm các triệu chứng đau rát dữ dội.
Một số trường hợp còn bị nhầm lẫn với bệnh herpes, do virus Herpes simplex gây ra, với đặc điểm tổn thương là từng đám mụn nước nhỏ nổi ở vùng niêm mạc môi, sinh dục,… Người bệnh thường xuất hiện cảm giác ngứa rát, châm chích… và thường hay tái phát. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và đề xuất phương án điều trị kịp thời.
Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của BVĐK Tâm Anh TP.HCM là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ da và điều trị các vấn đề về da tại khu vực miền Nam. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm với khách hàng và được đào tạo chuyên môn sâu các kỹ thuật điều trị da tiên tiến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của bệnh viện đã giúp hàng ngàn bệnh nhân khắc phục các vấn đề về thẩm mỹ và sức khỏe da.
Ngoài ra, bệnh viện còn sở hữu nhiều thiết bị, máy móc tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại cùng quy trình khám chữa bệnh tối ưu giúp mang lại trải nghiệm điều trị và kết quả tốt nhất cho khách hàng.
Để phòng tránh bị kiến ba khoang cắn, người dân nên sử dụng lưới ngăn côn trùng cho gia đình, nhất là ở cửa ra vào và cửa sổ, đặc biệt là vào mùa mưa gió vì đây là điều kiện thuận lợi để kiến ba khoang sinh sôi và phát triển. Khi đi ngủ nên tập thói quen sử dụng màn. Mặc quần áo dài tay khi làm việc tại môi trường có nhiều cây, hoặc nhiều đèn,… Ngoài ra, bạn nên thường xuyên phát quang bụi rậm, bởi vì đây là nơi trú ẩn lý tưởng của rất nhiều loài côn trùng, trong đó có kiến ba khoang.