Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhiều người thường chủ quan với các triệu chứng tưởng chừng đơn giản như ù tai mà không biết đó có thể là dấu hiệu của bệnh u dây thần kinh số 8. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về u dây thần kinh số 8 như nguyên nhân và phương pháp điều trị u dây thần kinh số 8.
1. U dây thần kinh số 8 là gì?
U dây thần kinh số 8 hay còn được biết đến là u dây thần kinh tiền đình ốc tai (vestibular schwannoma hoặc acoustic neuroma). Đây không phải bệnh ung thư mà chỉ là một loại khối u não lành tính xuất phát từ dây thần kinh sọ thứ 8 của não. U dây thần kinh số 8 chiếm khoảng 8% các khối u nội sọ ở người lớn và chiếm 80-90% các khối u ở góc cầu tiểu não.
Dây thần kinh sọ thứ 8 (hay dây thần kinh tiền đình ốc tai) được tạo thành bởi các dây thần kinh nối tai trong với não. Các tế bào thần kinh bao quanh dây thần kinh này được gọi là tế bào Schwann.
U dây thần kinh số 8 có thể ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên tai. Khối u này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây chèn ép các cấu trúc quan trọng khác trong não dẫn đến mất thính lực, thậm chí nguy hiểm hơn là đe dọa tính mạng người bệnh.
U dây thần kinh số 8 là một căn bệnh có thể bắt gặp ở bất cứ người nào, không kể giới tính, độ tuổi. Tuy nhiên, phần lớn bệnh xảy ra ở người nằm trong độ tuổi từ 30 - 60 tuổi.
2. Triệu chứng của u dây thần kinh số 8
Các triệu chứng ban đầu thường là suy giảm thính giác và quá trình này diễn ra chậm. Triệu chứng khác có thể xảy ra ở người bị u dây thần kinh số 8 là cảm giác mất thăng bằng, ù tai (nghe thấy âm thanh rít lên hay tiếng chuông trong tai).
Bên cạnh đó, khi khối u phát triển có thể chèn ép vào các dây thần kinh khác, dẫn đến cảm giác tê nhói ở mặt hay thậm chí liệt cơ mặt. Đặc biệt khi khối u đè lên một phần não bộ sẽ khiến người bệnh thường xuyên bị đau đầu, lú lẫn hay gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc thậm chí tử vong nếu khối u lan rộng chèn ép nhiều.
Ngoài ra còn một số triệu chứng khác không được đề cập. Khi phát hiện có bất kỳ biểu hiện nào bất thường liên quan đến thính giác hoặc liên quan đến vấn đề về giữ thăng bằng, tê nhói một bên mặt, ù tai kèm đau đầu, chóng mặt thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm nhất.
3. Nguyên nhân gây ra u dây thần kinh thính giác
Sự phát triển của khối u bắt nguồn từ việc xung quanh dây thần kinh số 8 có quá nhiều tế bào Schwann.
U dây thần kinh số 8 hai bên là một trong những đặc điểm lâm sàng của rối loạn di truyền u sợi thần kinh (bệnh neurofibromatosis type 2). Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do gen neurofibromin 2 thuộc nhiễm sắc thể số 22 bị hỏng. Thông thường, gen đó có vai trò tạo ra một loại protein ức chế khối u (merlin hay schwannomin) nhằm kiểm soát sự tăng trưởng của các tế bào Schwann. Khi có biến đổi trên gen này sẽ làm các tế bào Schwann phát triển và tạo nên khối u. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến gen đó bị hỏng vẫn chưa được xác định rõ ràng và đang được tiếp tục nghiên cứu.
Trong đó, u một bên là tình trạng hiếm gặp và thường không do di truyền. U dây thần kinh số 8 không có khả năng truyền nhiễm hay lây lan từ người này sang người khác.
4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị u dây thần kinh thính giác
4.1 Kỹ thuật chẩn đoán u dây thần kinh số 8
Đối với các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành làm kiểm tra thính giác, kiểm tra thần kinh bằng thính lực đồ. Bên cạnh đó, chụp CT não hoặc chụp MRI (cộng hưởng từ) não cũng có thể được yêu cầu thực hiện để chẩn đoán u dây thần kinh số 8.
Việc chẩn đoán sớm là vô cùng cần thiết và quan trọng. Điều này giúp bác sĩ có thể xác định được chính xác tình trạng bệnh nhân, từ đó đưa ra được phương hướng điều trị thích hợp.
4.2 Phẫu thuật, xạ trị
Phương pháp điều trị u dây thần kinh số 8 thường được áp dụng bao gồm phẫu thuật, xạ trị và theo dõi. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng và kích thước của khối u, mức độ suy yếu chức năng, độ tuổi, tiền sử và các nguy cơ phẫu thuật để đưa ra quyết định điều trị.
Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị thường được áp dụng. Đặc biệt là đối với những khối u nhỏ, phẫu thuật có thể giúp cứu vãn thính lực và cải thiện tình trạng của bệnh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các khối u lớn hơn thì phẫu thuật khá phức tạp.
Bên cạnh phẫu thuật truyền thống thì xạ phẫu (stereotactic radiosurgery) cũng giúp kiểm soát u dây thần kinh số 8 trong một số trường hợp cụ thể. Đây là phương pháp xạ trị đưa liều xạ trị cao đến bướu dưới sự hỗ trợ của các hệ thống định vị vị trí khối bướu với độ chính xác cao giúp hạn chế ảnh hưởng đến các vùng khác xung quanh vị trí xạ trị.
Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân cụ thể:
- Người có sức khỏe kém, người cao tuổi hoặc người có khối u ảnh hưởng cả hai tai thường được ưu tiên lựa chọn tiến hành xạ trị nhằm hạn chế sự tăng trưởng của khối u và làm giảm kích thước của chúng.
- Các trường hợp không thể phẫu thuật hay làm xạ trị, hoặc khối u nhỏ phát hiện tình cờ và không thay đổi kích thước thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu lặp lại MRI não định kỳ để theo dõi khối u.
Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phổ biến thường được sử dụng đối với bệnh u dây thần kinh số 8 (dây thần kinh thính giác). Dựa vào các triệu chứng kể trên, người bệnh có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh của mình và đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.