Là một trong những bệnh lây nhiễm phổ biến, thủy đậu rất dễ mắc và lây lan thành dịch nếu không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Hầu hết các trường hợp mắc thủy đậu đều lành tính và có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu không chữa đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Ngay cả khi lành tính, những nốt mụn nước đáng ghét vẫn có thể để lại di chứng là những vết sẹo lõm theo người bệnh suốt đời. Vậy đâu là cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất và ít để lại sẹo?
Tìm hiểu dấu hiệu và các giai đoạn của bệnh thủy đậu
Để tìm được cách chữa bệnh thuỷ đậu nhanh nhất, chúng ta cần nắm đầy đủ thông tin về căn bệnh này. Thủy đậu (trái rạ) rất quen thuộc nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh có dấu hiệu tương đồng như sởi, rubella, sốt phát ban, tay chân miệng,... Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do sự xâm nhập và lây lan của virus Varicella-zoster (VZV). Virus thủy đậu có tốc độ lây lan rất nhanh nên nguy cơ bùng phát thành dịch thủy đậu trong cộng đồng là rất dễ xảy ra.
Con đường lây nhiễm chính của bệnh thủy đậu là từ người sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc qua giọt bắn của người bị nhiễm bệnh trong lúc nói chuyện, ho, hắt hơi. Bệnh thủy đậu cũng có thể lây truyền gián tiếp thông qua tiếp xúc với các đồ vật có dính virus từ giọt bắn hay chất lỏng từ mụn nước của người bệnh.
Bệnh thủy đậu thường diễn biến qua 4 giai đoạn từ khi ủ bệnh, khởi phát, toàn phát đến khi hồi phục hoàn toàn. Trong mỗi giai đoạn, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Hiểu rõ những triệu chứng điển hình trong từng giai đoạn sẽ giúp bạn lựa chọn được cách chữa bệnh thủy đậu và hạn chế để lại sẹo.
Dưới đây là 4 giai đoạn thường gặp ở người bị thủy đậu:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu virus xâm nhập vào cơ thể sẽ ủ bệnh trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh mà không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Thời gian này ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào sức khỏe và miễn dịch của cơ thể. Quá trình lây nhiễm cho người khác có thể xảy ra khi người bị thủy đậu trong giai đoạn trước phát ban từ 1 đến 2 ngày cho đến sau phát ban khi các nốt mụn nước ngừng hình thành mới và đóng vảy.
- Giai đoạn 2: Hết thời gian ủ bệnh, virus thủy đậu bắt đầu tấn công người bệnh gây ra các triệu chứng ban đầu dễ nhận diện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, nhức đầu, chán ăn, nôn ói, đau họng,… Tiếp theo, toàn thân người bệnh xuất hiện nốt mẩn đỏ, một số người còn xuất hiện thêm hạch ở sau tai.
- Giai đoạn 3: Sang giai đoạn toàn phát, các nốt mụn nước lớn bắt đầu xuất hiện kèm theo dịch trắng bên trong. Giai đoạn này cần đặc biệt tuân thủ cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất bởi nếu không chăm sóc đúng cách người bệnh rất dễ bị bội nhiễm hoặc để lại sẹo xấu. Đây cũng là thời điểm rất dễ lây lan do các mụn nước nhỏ sẽ vỡ và chảy dịch chứa virus.
- Giai đoạn 4: Người bị thủy đậu cần khoảng 7 đến 14 ngày để hồi phục, sau đó các nốt mụn nước đã vỡ sẽ dần vết thương sẽ đóng vảy. Nếu chăm sóc đúng cách các nốt này sẽ lành nhanh hoặc để lại sẹo nếu chữa sai cách.
Hướng dẫn 4 cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất
Để tránh những biến chứng nguy hiểm của thủy đậu như nhiễm trùng huyết, mất nước, nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não, hội chứng Reye, hội chứng sốc độc, sẹo lõm,... người bệnh cần áp dụng những cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất dưới đây.
Sử dụng thuốc chữa thủy đậu
Để chữa bệnh thủy đậu đạt hiệu quả cao, người bệnh cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Hầu hết các trường hợp thủy đậu đều có thể chữa tại nhà bằng cách dùng thuốc điều trị theo triệu chứng như thuốc giảm đau, hạ sốt.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm thuốc kháng virus Acyclovir với liệu trình từ 5-7 ngày nhằm giảm mức độ nghiêm trọng và rút ngắn thời gian điều trị. Việc sử dụng cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất này sẽ được cân nhắc tùy vào độ tuổi, mức độ bệnh và thể trạng của người bệnh.
Dùng thuốc bôi ngoài da
Sẹo lõm là nỗi ám ảnh của người bệnh thủy đậu. Để tránh tình trạng này người bệnh nên dùng thêm các loại thuốc bôi ngoài da có chứa thành phần Calamine, Nano bạc sẽ giúp giảm ngứa ngáy, tái tạo làn da giúp da nhanh lành và ngăn ngừa sẹo xấu.
Chữa thủy đậu bằng cách dân gian
Khi bị thủy đậu, người bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách tắm ấm kết hợp cùng baking soda hoặc bột yến mạch. Cách này có thể giúp dịu da, giảm ngứa và giảm viêm da hiệu quả.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể giảm sự khó chịu bằng cách chườm mát lên vùng da bị đau hoặc ngứa. Việc chườm mát nên thực hiện nhẹ nhàng trong khoảng 15 phút và lặp lại nhiều lần.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Trong thời gian bị bệnh, ngoài các cách ở trên người bệnh cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường miễn dịch, hỗ trợ quá trình lành thương. Các vitamin và khoáng chất này có thể bổ sung thông qua chế độ ăn uống hoặc các loại thực phẩm chức năng.
Một số lưu ý khi chữa bệnh thủy đậu tại nhà
Bên cạnh việc tuân thủ các cách chữa thủy đậu kể trên, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Hạn chế gãi, chà xát hay nặn các nốt thủy đậu vì có thể làm các nốt này bị gây ra tình trạng nhiễm trùng, sẹo thâm, sẹo lồi và sẹo lõm.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, sát khuẩn tay sạch sẽ.
- Chọn trang phục có chất liệu mềm mại, không gây kích ứng, rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
- Không nên tự ý sử dụng thuốc kháng virus nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không nên lạm dụng các loại nước tắm từ lá cây, đặc biệt đối với trẻ em vì làn da của trẻ rất nhạy cảm.
- Hạn chế sử dụng gia vị cay, nóng từ ớt, hạt tiêu, mù tạt,... và các loại thịt có tính ấm như dê, bò,... và thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản.
- Hạn chế ăn các loại trái cây dễ gây nóng như mít, nhãn, mận, xoài,…
Trên đây là thông tin bệnh lý và cách chữa bệnh thủy đậu nhanh nhất. Hy vọng những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn đọc trang bị đầy đủ kiến thức nhận biết, đồng thời có cách ứng phó kịp thời, tránh biến chứng khi không may mắc bệnh thủy đậu.