Bụng sôi là tình trạng có thể gặp bất kỳ lúc nào trong cuộc sống. Đôi khi đây chỉ là những phản ứng bình thường của cơ thể nhưng có lúc lại là báo hiệu một số bệnh lý đường tiêu hóa. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra bụng sôi qua bài viết dưới đây nhé!
1Nguyên nhân khiến bụng sôi
Tiêu hóa thức ăn
Thức ăn di chuyển xuống ruột non sẽ được các enzym phân hủy. Để thực hiện tốt quá trình này, hệ tiêu hóa hình thành nên sóng nhu động giúp cho thức ăn di chuyển dễ dàng dọc ruột non.
Nhu động kết hợp với không khí và thức ăn sẽ tạo nên những âm thanh khiến cho bạn nghe thấy tiếng bụng sôi. Tuy nhiên không phải lúc nào tiêu hóa thức ăn bạn cũng sẽ nghe được âm thanh này.[1]
Tiêu hóa thức ăn có thể gây ra bụng sôi
Báo hiệu cơn đói
Bình thường, khi không thực hiện tiêu hóa thức ăn, cơ thể vẫn sẽ tiết ra axit và các enzyme cần thiết cho quá trình nghiền nhỏ và hấp thu thức ăn. Mặt khác, sau khi dạ dày rỗng 2 giờ, các cơ nhu động ở cơ quan này sẽ hoạt động mạnh hơn bình thường. Chính điều này sẽ dẫn tới tình trạng khi đói bụng sẽ sôi với âm thanh lớn hơn.[2]
Bụng sôi là dấu hiệu nhận biết cơn đói
Không dung nạp một số loại thực phẩm
Một số người thường thiếu enzyme phân giải một số thực phẩm như gluten, sữa, một số loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt,... gây ảnh hưởng đến sự phân mảnh và hấp thu thức ăn dẫn đến đầy hơi trong ruột. Khi ruột chứa nhiều hơi, thức ăn có kích thước lớn kết hợp với nhu động bình thường sẽ gây nên hiện tượng bụng sôi cùng với những âm thanh ở vùng này.
Dị ứng thực phẩm có thể xuất hiện tình trạng bụng sôi
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý liên quan đến chức năng của hệ tiêu hóa nhưng không có tổn thương thực thể. Khi thức ăn tiếp xúc với ruột có thể tạo nên một kích thích khiến cho các cơ ở ruột co thắt mạnh hơn, dễ dẫn tới những âm thanh lớn.
Ngoài hiện tượng bụng sôi thì hội chứng này có thể đi kèm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, khó tiêu gây khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích gây nên tình trạng bụng sôi
Tắc nghẽn đường ruột
Khi xuất hiện tình trạng thức ăn không thể di chuyển cơ thể sẽ tạo ra một loạt sóng nhu động với cường độ cao để đẩy thức ăn bị tắc ra khỏi hệ tiêu hóa. Phản ứng này của cơ thể sẽ tăng nhu động ruột.
Tắc ruột là tình trạng nguy hiểm cần phải được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy khi bụng sôi kèm theo các dấu hiệu như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, không thể trung tiện,... thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bụng sôi là một trong những triệu chứng của tình trạng tắc nghẽn đường ruột
2Xử lý thế nào khi bụng sôi
Khi gặp tình trạng bụng sôi nhưng không đi kèm những dấu hiệu nguy hiểm, bạn có thể thực hiện một vài gợi ý sau để giảm tình trạng này:
- Uống nước: một cốc nước có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Trong trường hợp bạn chưa ăn gì, uống nước cũng giúp làm căng dạ dày, giảm tình trạng đói của cơ thể.
- Ăn khi bụng báo hiệu cơn đói: bụng sôi có thể báo hiệu tình trạng cơ thể cần nạp năng lượng, cùng lúc đó chúng ta cảm giác đói cồn cào. Chính vì vậy để giảm tình trạng này, bạn có thể ăn nhẹ để giảm âm thanh do ruột gây ra.
- Ăn chậm, nhai kỹ: hành động này sẽ giúp thức ăn được chia nhỏ thuận lợi cho việc hấp thu. Mặt khác, nhai kỹ cũng làm giảm lượng khí tại ruột.
- Tránh các loại thực phẩm gây đầy hơi: một số thực phẩm thường tạo nhiều khí hơn khi hấp thu vào ruột như đậu, nước có ga,... Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi sử dụng các loại thực phẩm này.
- Nhận biết loại thực phẩm cơ thể không dung nạp: theo dõi các biểu hiện của cơ thể khi ăn các loại thực phẩm. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường với loại nào, bạn nên hạn chế dùng thực phẩm đó những lần sau.
- Kiểm soát khẩu phần ăn: chia nhỏ khẩu phần ăn, không nên ăn quá no trong một bữa.
- Tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường: giảm các thực phẩm chứa nhiều đường như đường nhân tạo, sorbitol, nước ngọt, kẹo cao su,... để tránh hệ tiêu hóa tăng nhu động.
- Hoạt động nhẹ nhàng sau bữa ăn: đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn có thể giúp thức ăn từ dạ dày dễ di chuyển xuống ruột hơn.
Uống nước có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn
3Khi nào nên gặp bác sĩ
Với tình trạng bụng sôi ít khi xảy ra, bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục được mà không cần đến bệnh viện nhưng nếu tiếng sôi bụng phát ra từng cơn dai dẳng kèm cảm giác khó chịu ở vùng bụng lâu ngày, bạn đã thử nhiều biện pháp nhưng các triệu chứng không giảm thì có thể bạn đã mắc bệnh về đường tiêu hóa sau, cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời:
- Hội chứng ruột kích thích: hay gặp ở người già và trẻ nhỏ kèm các triệu chứng tiêu chảy, táo bón, đau bụng rút, đầy hơi,...
Ngoài ra, nếu bụng sôi kèm theo các triệu chứng như: sốt, nôn, buồn nôn, đau bụng đột ngột và dữ dội thì người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để loại trừ tình trạng tắc ruột tránh gây nguy hiểm đến cơ thể.[3]
Khi bụng sôi kèm buồn nôn kéo dài nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn một số nguyên nhân gây nên tình trạng bụng sôi, đặc biệt là một số trường hợp cấp cứu để tránh những biến chứng đáng tiếc. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!