Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Triệu chứng ung thư phổi không đặc trưng, rất đa dạng, phong phú, bệnh nhân mắc bệnh có thể gặp rất nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư phổi không hề có triệu chứng nào, chỉ được phát hiện do khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh liên quan, hoặc khi biến chứng nặng. Triệu chứng ung thư phổi có thể chia thành các nhóm: triệu chứng phế quản, dấu hiệu lan tỏa và dấu hiệu ngoài phổi. Có thể nhận biết ung thư phổi với những hội chứng đặc trưng.
1. Triệu chứng ung thư phổi ở phế quản
Triệu chứng phế quản là đặc trưng nhất ở ung thư phổi, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện:
- Ho nhiều, ho dai dẳng: Dấu hiệu này giống với các bệnh cảm cúm thông thường vì vậy nhiều bệnh nhân không đi kiểm tra. Trên thực tế, ho dai dẳng kéo dài dẫn đến khàn tiếng, mất tiếng có thể do viêm phổi, lao phổi, hay ung thư phổi.
- Đờm có lẫn máu: Ngay cả khi lượng máu lẫn trong đờm nhỏ thì bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình.
- Nếu bạn bị viêm phổi, viêm phế quản đã được điều trị cho hết ho, hết sốt nhưng trên X quang vẫn thấy tổn thương tồn tại trên 1 tháng thì rất cần khảo sát kỹ hơn để loại trừ ung thư phổi.
2. Dấu hiệu ung thư phổi lan tỏa
Bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu sau khi khối u ung thư phổi lan tỏa:
- Thở khó khăn, nặng nhọc, thở khò khè: Bởi vì triệu chứng này có thể xuất hiện mơ hồ cho nên khiến nhiều người chủ quan. Tình trạng này xuất hiện do khối u ở phổi gây ra, cản trở quá trình hô hấp của bạn.
- Đau tức ngực: Đây là dấu phổ biến của bệnh ung thư phổi. Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay hít sâu.
- Khó nuốt: Khi khối u chèn ép thực quản.
- Nói khàn: Biến đổi giọng do thần kinh quặt ngược bị khối u chèn ép.
- Triệu chứng tĩnh mạch chủ trên bị chèn ép: Tĩnh mạch chủ trên bị khối u ung thư phổi chèn ép sẽ gây: cổ bạnh to, phù mặt, tĩnh mạch cổ nổi rõ, hố trên xương đòn đầy.
- Triệu chứng tràn dịch màng phổi: Khi khối u ung thư phổi đã xâm lấn ra màng phổi thì có thể gây tràn dịch màng phổi, có thể chẩn đoán xác định dựa trên khám lâm sàng và chụp X quang.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ung thư phổi còn bị: giảm mồ hôi nửa mặt, sụp mi mắt một bên, đồng tử nhỏ một bên...
3. Các triệu chứng ung thư phổi khác
Bệnh nhân ung thư phổi có thể gặp các triệu chứng điển hình của ung thư sau:
- Gầy sút nhanh, sút cân nhanh không rõ nguyên do.
- Đau các khớp xương ở cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay, ngón chân.
- Đau vai: Hiện tượng này xảy ra khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
- Ăn không ngon hoặc mệt nhiều
- Nổi hạch ở cổ, hố trên đòn.
- Ngón tay khum, đầu ngón tay ngón chân to.
- To vú ở nam giới.
Khi ung thư phổi đã di căn, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đặc trưng ở vị trí di căn và khối u thư phát:
- Di căn xương: Đau xương, nhất là vùng hông và lưng.
- Di căn não, tủy sống: Thay đổi về hệ thần kinh như hoa mắt, lên cơn tai biến, đau đầu, yếu hay tê cẳng chân tay...
- Di căn gan: Vàng da, vàng mắt.
- Di căn da, hạch Lympho: Nổi khối u trên bề mặt da, hạch vùng cổ, trên xương đòn.
4. 5 hội chứng đặc trưng của ung thư phổi
Ung thư phổi có thể gây ra những hội chứng đặc trưng gồm:
Hội chứng Horner
Đây là hội chứng khi ung thư phần đỉnh phổi ảnh hưởng tới thần kinh chi phối mắt và 1 phần mặt, gây các nhóm triệu chứng gồm:
- Yếu, sụp mí mắt.
- Co nhỏ mắt - đồng tử.
- Giảm hoặc ngưng tiết mồ hôi ở 1 vùng mặt.
- Đau nhức vai.
Hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Tĩnh mạch chủ trên là tĩnh mạch lớn có vai trò nhận máu từ đầu và cánh tay về tim, có chạy qua phần trên phổi phải và chuỗi hạch Lympho phổi. Khối u phổi có thể chèn vào tĩnh mạch chủ này, gây ra các triệu chứng, gọi chung là hội chứng tĩnh mạch chủ trên, gồm:
- Sưng phù vùng cổ, mặt, cánh tay hay trên ngực.
- Đau đầu, hoa mắt, rối loạn ý thức.
Triệu chứng này ảnh hưởng tới não, tiến triển từ từ và có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Hội chứng cận ung thư
Có những trường hợp ung thư phổi tạo những Hormone vào máu, làm ảnh đến các mô và cơ quan dù chưa di căn, đây được gọi là hội chứng cận ung thư.
Do triệu chứng này ảnh hưởng đến những cơ quan khác, gây triệu chứng rõ hơn là ở phổi nên rất đa dạng, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cũng khó để phát hiện chính xác bệnh.
Hội chứng tiết ADH không thích hợp
Ở hội chứng này, tế bào ung thư sẽ tiết hormon ADH khiến thận giữ lại nước, làm giảm lượng muối trong máu và gây những triệu chứng đặc thù, gồm: Chán ăn, mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút, nôn, buồn nôn, rối loạn, thao thức. Hội chứng này có thể dẫn đến hôn mê và tai biến.
Hội chứng Cushing
Hội chứng này khiến bệnh nhân dễ bị: tăng cân, yếu người, dễ bị bầm tím, thường ngủ li bì, hay quên, tăng huyết áp và đường máu.
Bên cạnh những hội chứng này, ung thư phổi có thể gây nhiều vấn đề ở những bộ phận và cơ quan khác trong cơ thể mà cả bệnh nhân và bác sĩ đều khó mà phát hiện nguyên nhân chính xác.
5. Ai nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi?
Đặc biệt những đối tượng sau đây càng phải đặc biệt lưu ý khám sức khỏe định kỳ và tầm soát để phát hiện ung thư phổi bởi có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Khách hàng là Nam hoặc Nữ, trên 50 tuổi. Khách hàng thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá thường xuyên - đối tượng hút thuốc lá trên 25 năm hoặc đã bỏ thuốc lá nhưng chưa được 15 năm.
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhất là dạng khí.
- Người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Cùng với đó, mỗi người đều cần có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, mỗi khi nhận thấy bất cứ bất thường nào đều sớm đến cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán, điều trị.
Khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện triệu chứng ung thư phổi
Như thông tin ở trên, các triệu chứng ung thư phổi không hề đặc thù, rất đa dạng, rất khó phát hiện, nhất là ở những giai đoạn lý tưởng để điều trị. Chỉ đến khi bệnh đã phát triển quá mức, ung thư di căn xa sang các bộ phận khác thì bệnh nhân mới nhận ra những bất thường. Nhưng lúc này việc điều trị không còn nhiều hiệu quả, hầu hết chỉ là cải thiện tình trạng bệnh, tăng chất lượng sống và thời gian sống cho bệnh nhân.
Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vẫn là phương pháp được các bác sĩ, chuyên gia Vinmec luôn khuyên người dân để có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Đa số các trường hợp điều trị ung thư phổi tại Vinmec đều phát hiện bệnh một cách tình cờ, do tầm soát ung thư hay điều trị, chẩn đoán bệnh liên quan.
Mỗi người dân cần đi khám sàng lọc ung thư định kỳ 1 lần/năm. Khi khám sàng lọc, mọi bất thường về hô hấp và phổi đều được bác sĩ chuyên ngành hô hấp khám kỹ và đưa ra biện pháp điều trị. Khách hàng có thể thâm khảo Gói tầm soát ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp phát hiện sớm ung thư phổi (là những ung thư phổi giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nếu có), giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi 20% so với nhóm nguy cơ cao mà chưa bao giờ sàng lọc.
Tại bệnh viện có thực hiện dịch vụ xét nghiệm Cyfra 21-1 với đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh trong chuyên khoa Hóa sinh, tận tâm và trách nhiệm; sử dụng máy phân tích miễn dịch tự động Cobas E cho kết quả chính xác nhất và hỗ trợ điều trị ung thư phổi và các loại ung thư khác thành công cho người bệnh.
Phương pháp điều trị ung thư phổi mới tại Vinmec
Ung thư phổi có thể điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phẫu thuật đang được phát triển theo hướng giảm thiểu xâm lấn, hạn chế tối đa các tổn thương cho bệnh nhân, ví dụ như phẫu thuật nội soi lồng ngực, robot phẫu thuật.
Kỹ thuật xạ trị gần đây tập trung vào chữa trị khối u cụ thể, trên từng cơ quan riêng biệt và tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân trong thời gian nhất định.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân có thể điều trị bằng SBRT - kỹ thuật xạ phẫu sử dụng định vị toàn thân, chính xác đến từng milimet. SBRT là hình thức thay thế cho phẫu thuật, thời gian điều trị ngắn hơn, độ chính xác điểm cao, cho kết quả tốt hơn và quy trình đơn giản hơn so với xạ trị truyền thống.
Những năm gần đây, hóa trị điều trị ung thư phổi cũng có rất nhiều tiến bộ. Đặc biệt nổi bật là những liệu pháp điều trị đích mới trong trường hợp bệnh nhân có bất thường di truyền phân tử. Trong số đó, liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi là bước đột phá vượt bậc.
Tóm lại, để quyết định phác đồ hóa chất cho bệnh nhân ung thư phổi, cần dựa trên nhiều yếu tố: Kết quả giải phẫu bệnh, kết quả bất thường di truyền phân tử, toàn trạng bệnh nhân, tình trạng bệnh tiến triển... Bác sĩ nội khoa ung thư sẽ căn cứ trên các kết quả xét nghiệm và quyết định phác đồ điều trị hóa chất cho người bệnh.
Nếu có nhu cầu tư vấn thêm và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.