Làng Kế là một ngôi làng cổ của xã Dĩnh Kế, thuộc thành phố Bắc Giang ngày nay. Xã có 11 thôn, trong đó có 6 thôn gắn bó với nghề làm bánh đa. Người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu. Từ lâu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu này đã trở nên gần gũi và gắn bó với đời sống của người dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời làm lên sự phong phú truyền thống văn hoá của tỉnh Bắc Giang.
Theo các bậc cao niên làng Kế, nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Kế đã hơn 600 năm, lưu truyền từ đời này nối tiếp đời kia cho đến ngày nay. Ở làng Kế người dân làm bánh đa quanh năm, ngoại trừ những ngày mưa, bánh đa không thể phơi được, phải đem sấy khô thì bà con làm ít hơn.
Từ những nguyên liệu chính trên quê hương như lạc, vừng, gạo nếp... bằng phương thức truyền thống, những người làng Kế đã tạo ra sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng của quê hương mình. Để làm ra chiếc bánh, mỗi gia đình có một công thức riêng và phải thực hiện qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Để làm ra được những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn tan và đậm đà người làm bánh phải làm qua nhiều công đoạn cầu kỳ: Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon hạt tròn, mẩy, có mùi thơm sữa sau đó cho vào ngâm với nước chừng 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra cho cơm nguội vào trộn đều với muối và bóp cho thật đều và nhuyễn. Gạo nguyên liệu chủ yếu được các thợ làm bánh ở làng Kế nhập từ một số tỉnh thành như Hải Dương, Nam Định và Thái Bình.
Theo những người làm bánh lâu năm, một trong những kỹ thuật tạo lên sự độc đáo của bánh đa kế đó là kỹ thuật tráng bánh, khi lớp bánh đầu vừa ráo, người thợ tiếp tục tráng tiếp một lớp bánh khác. Bánh đa Kế ngon hơn khi phơi dưới trời đứng bóng và nướng trên than hoa. Công đoạn phơi bánh phải chú ý sao cho độ ẩm trong bánh thoát đi vừa đủ, nếu bánh khô quá sẽ bị nứt vỡ ngay trên giàng tre, nếu bánh còn ẩm sẽ dễ bị ẩm, mốc, kém chất lượng. Kỹ thuật nướng cũng rất quan trọng, chiếc bánh ngon hay không phụ thuộc nhiều ở công đoạn này, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, nướng bánh đều tay, không để bị cháy và chín giòn đều. Mỗi ngày, bình quân một lao động ở làng Kế có thể làm ra khoảng 250 - 300 cái bánh đa thương phẩm.
Theo anh Nguyễn Văn Thi ở làng Kế: Bình quân mỗi người thợ làm bánh đa có thu nhập khoảng từ 300 đến 400 ngàn đồng/ngày công lao động. Nguồn thu nhập này đã góp phần giúp các hộ gia đình làm bánh phát triển kinh tế hộ gia đình có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Ngày nay sự phát triển về cơ khí và công nghệ, nhiều công đoạn thủ công đã được thay thế bằng máy móc, giúp giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất lao động, nhưng không làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, một số công đoạn người làm bánh đa Kế vẫn duy trì làm thủ công, coi đó là bí quyết để giữ “hồn” cho loại bánh đặc sản này. Một số công đoạn như cắt, sấy... đã được người thợ sử dụng máy móc để nâng cao năng suất lao động.
Hiện nay, có dịp về thăm tỉnh Bắc Giang qua làng Dĩnh Kế, với nhiều vị khách không quyên mua về cho người thân những chiếc bánh đa Kế nổi tiếng thơm ngon, đậm đà vị quê truyền thống. Điều đó càng giúp cho lan toả thương hiệu bánh đa Kế tới các vùng miền cả nước. Cùng đó bánh đa Kế được các thế hệ trẻ tiếp tục nối nghề như một truyền thống tốt đẹp của cha ông như một mạch nguồn văn hoá chảy mãi trên quê hương xứ Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến.