Nội khoa là một lĩnh vực y học liên quan đến việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ quan nội tạng, đặc biệt ở đối tượng là người lớn. Bác sĩ Nội khoa được đào tạo để điều trị cho những bệnh nhân có diễn biến bệnh không rõ ràng hoặc những bệnh nhân mắc nhiều bệnh xảy ra cùng một lúc. Không giống như phẫu thuật, điều trị nội khoa chủ yếu liên quan đến điều trị bằng thuốc.
Lĩnh vực nội khoa là gì?
Trong y học chia rất nhiều chuyên khoa, có 4 chuyên khoa chính lớn như Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản khoa và những chuyên khoa nhỏ như: Tai - Mũi - Họng, Mắt, Răng - Hàm - Mặt, Da liễu, Thần kinh, Tâm thần,... Trong đó, Nội khoa đảm nhận vai trò to lớn trong việc thăm khám và chữa bệnh.
Khoa Nội thực hiện khám sức khỏe tổng quát, cũng như chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,… Nếu có các triệu chứng khó chịu và chưa rõ nguyên nhân, bạn cũng sẽ được bác sĩ Nội khoa khám. Ngoài ra, bác sĩ khoa Nội tổng quát sẽ tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Khác với các bác sĩ chuyên khoa chỉ tập trung điều trị một cơ quan trong cơ thể, các bác sĩ Nội khoa tổng quát có thể điều trị nhiều bệnh khác nhau hoặc ảnh hưởng của các bệnh cùng một lúc mà không can thiệp xâm lấn lớn, ví dụ: Các bệnh miễn dịch như lupus ban đỏ và xơ cứng bì có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh da, phổi, thận và các cơ quan khác.
Các lĩnh vực nghiên cứu chính của nội khoa vô cùng đa dạng, bao gồm: Tim mạch, Nội tiết, Ung bướu, Khoa Tiêu hóa, Huyết học, Miễn dịch học, Truyền nhiễm, Thận, Hô hấp, Cơ xương khớp,... Các bác sĩ nội khoa cần có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh như bệnh truyền nhiễm, bệnh lao và ký sinh trùng, đồng thời có chuyên môn về bệnh tim mạch, phổi, thận và huyết học,…
Những phương pháp chẩn đoán trong nội khoa
Hai công cụ quan trọng nhất hỗ trợ chẩn đoán bệnh nội khoa là khám lâm sàng và hỏi thông tin về bệnh sử, tiền sử của bệnh nhân. Các bác sĩ Nội khoa ghi lại cẩn thận các đặc điểm mô tả căn bệnh thực tế, các triệu chứng thực thể và tất cả thông tin quan trọng để chẩn đoán bệnh. Bệnh sử là tất cả dữ liệu liên quan đến tình trạng của bệnh nhân, giúp bác sĩ ghi lại và lưu ý các triệu chứng y khoa mà bệnh nhân có thể đã bỏ sót.
Chẩn đoán bệnh nội khoa của bệnh nhân có thể kết hợp với các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng. Để thu hẹp phạm vi chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu và chụp ảnh bằng siêu âm hoặc nội soi,... Ví dụ: Chụp X-quang ngực, siêu âm nội soi dạ dày và đại tràng, phương pháp chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp từ tính hoặc chụp cắt lớp não,... Những xét nghiệm và khám lâm sàng này giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định hoặc loại trừ bệnh một cách chính xác. Nếu bệnh nhân bị nghi ngờ có tình trạng phức tạp hơn, có thể cần phải sinh thiết, chọc dò tủy sống, chọc dò dịch não tủy hoặc xét nghiệm vi sinh.
Phương pháp dùng điều trị nội khoa là gì?
Hiểu đơn giản, điều trị nội khoa đa phần liên quan đến dùng thuốc bằng các đường uống, tiêm, đặt, ngậm,... chủ yếu dùng kháng sinh, steroid và một số loại thuốc khác tùy theo bệnh lý. Điều trị nội khoa rất ít khi sử dụng can thiệp xâm lấn, tránh đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị nội khoa cũng có thể cần đến sự can thiệp của phẫu thuật. Khi đó, các bác sĩ nội khoa sẽ cộng tác với các bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa liên quan như chỉnh hình, tim mạch, ngoại tổng quát để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Hiện nay, các phương pháp điều trị ngày càng đa dạng, bao gồm chụp động mạch vành, cắt bỏ khối u, can thiệp mạch máu chứ không chỉ giới hạn ở điều trị bằng thuốc.
Các bác sĩ điều trị nội khoa thường chuyên về các bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan hoặc hệ thống cơ quan cụ thể. Tùy vào từng bệnh lý mà sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau ở các khoa khác nhau, vì vậy mọi người nhớ chú ý theo dõi sức khỏe bản thân và chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị bệnh sớm, tăng khả năng phục hồi.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi điều trị nội khoa và một số phương pháp chẩn đoán trong điều trị nội khoa. Đây là một trong những phương pháp điều trị bệnh chủ yếu của nước ta hiện nay. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh các tình trạng không mong muốn xảy ra.